Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc tài xế sử dụng rượu, bia có thể xử phạt lên tới 40 triệu đồng và lực lượng công an sẽ được giữ lại 70% số tiền xử phạt là đúng quy định luật pháp.
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo thông tư 89/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính, lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được giữ lại 70% số tiền phạt, 30% số tiền còn lại được đưa về Trung ương.
Trong 70% đó, 10% được trích cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định tại địa phương.
Trích 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương). Ngoài ra, trích cho các trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa…
Theo thống kê, trong năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản hơn 4,1 triệu lượt trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 2.764 tỉ đồng; tước 342.300 GPLX; tạm giữ 652.078 phương tiện. Như vậy, theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính, lực lượng CSGT có thể giữ lại khoảng 1.934 tỉ trong năm 2019 và trong năm 2018 là 1.829 tỉ, tổng cộng trong 2 năm 2018 và 2019 CSGT đã giữ lại khoảng 3.800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp phạt có biên bản còn những trường hợp phạt tại chỗ và không có biên bản thì chưa được thống kê.
“Công chức đi làm hàng ngày họ đã được ăn lương, thì sao họ lại còn được lấy tiền ra từ ngân sách, 70% số tiền phạt hàng ngày ra để chia? Cái đó hoàn toàn là không có một cơ sở nào cả”, nhà hoạt động xã hội Lê Văn Dũng cho hay.
Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người mỗi năm
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết, trung bình 20-23 người chết/ngày; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ. Tuy nhiên, theo thống kê của theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TNGT đã cướp đi sinh mạng của 22.468 người tại Việt Nam trong năm 2017, bình quân mỗi ngày chết 62 người. Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Sự khác biệt nằm ở chỗ, Tổ chức Y tế Thế giới thống kê số người chết do TNGT bao gồm số người chết ngay tại hiện trường vụ tai nạn và những người bị thương sau đó chết trong 30 ngày kể từ thời điểm xảy ra tai nạn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các quy định về thống kê TNGT không quy định thời gian bao lâu sau khi xảy ra tai nạn, những người bị thương mà chết thì sẽ được thống kê vào số người chết do TNGT. Như vậy, số người chết do TNGT được hiểu là số người chết ngay tại hiện trường.
Trường hợp người bị thương nặng được đưa vào viện nhưng không cứu chữa được, buộc gia đình phải đưa về để chết ở nhà hay những nạn nhân đưa vào viện cứu chữa 2-5 ngày không qua khỏi cũng không được thống kê là thiệt mạng do TNGT. Điều này dẫn đến việc thống kê không phản ánh đúng thực trạng.
Từ Nguyên (t/h)