Tinh Hoa

Bộ trưởng Thăng lý giải việc mua 13 đoàn tàu Trung Quốc

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, việc mua tàu Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thực hiện theo điều kiện của hiệp định vay vốn.

Sáng 9/6, trao đổi truớc báo chí về việc Ban quản lý dự án đường sắt đề nghị xin Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay việc này thực hiện theo điều kiện sử dụng vốn ODA.

Cụ thể, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, nhà tài trợ vốn đồng thời là tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, cung cấp vật liệu và cũng là nhà thầu thi công. Nguyên tắc này được áp dụng với mọi quốc gia dù là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Mô hình của đoàn tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Đ.T.

Vì vậy, việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng thực hiện theo điều kiện của hiệp định vay vốn, gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng – Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ, khi tuyến Đường sắt Cát Linh – Hà Đông xảy ra nhiều tai nạn, bản thân ông cũng vô cùng bức xúc và đã có biện pháp chấn chỉnh các nhà thầu này.

“Mặc dù hai nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhưng muốn thay thế cũng không thay thế được. Vì tất cả đều nằm trong điều kiện vay vốn ODA”, ông Thăng nói.

Trước đó, Ban quản lý dự án Đường sắt trình Bộ Giao thông vận tải 6 phương án thiết kế đoàn tàu cho tuyến Metro đầu tiên của Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Ngày 4/1, trước những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra tại dự án Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6) trong việc triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vì những lý do để mất an toàn giao thông, mất an toàn thi công.

Ban quản lý sẽ mua 13 đoàn tàu, loại B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ. Nhà sản xuất đoàn tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tầu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co., Ltd).

Tổng chi phí mua tàu cho tuyến Cát Linh – Hà Đông là hơn 63,2 triệu USD. Mỗi đoàn tàu có 4 toa xe, thân làm bằng thép không gỉ. Trong đó, chi phí sản xuất đoàn tàu (giá thành, bảo hiểm và cước tại cảng Hải Phòng) là 59,2 triệu USD. Chi phí bảo hiểm, vận chuyển tài sản về tới chân công trình tạm tính là 4 triệu USD.

Với đặc thù hoạt động, Tổng thầu Trung Quốc cũng đưa ra các phương án thiết kế ngoại thất để lựa chọn.

Khánh An

Theo Zing