Trong một phát ngôn hiếm hoi đề cập đến sự kiện đàn áp người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói rằng quyết định của chính phủ Trung Quốc lúc đó là “đúng” vì lý do ổn định an ninh trong nước.
Phát ngôn của Thượng tướng Trung Quốc tại đối thoại quốc phòng Shangri La, Singapore
Thượng tướng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa nói như trên hôm 2/6, tại Đối thoại quốc phòng Shangri La, Singapore, một sự kiện thường niên về hợp tác an ninh. Ông Ngụy gọi việc hàng vạn thanh niên biểu tình tại Thiên An Môn là gây rối loạn chính trị và cần phải bị ngăn chặn.
“Mọi người đều quan tâm đến Thiên An Môn sau 30 năm”, ông Ngụy nói. “Trong 30 năm qua, Trung Quốc dưới Đảng Cộng Sản đã trải qua rất nhiều thay đổi – quý vị có nghĩ rằng chính phủ đã sai lầm khi xử lý Lục Tứ? Có một kết luận cho sự kiện đó. Chính phủ đã kiên quyết ngăn chặn rối loạn”.
Reuters nhận định, hiếm khi quan chức Bắc Kinh thừa nhận và nhắc đến sự kiện ngày 4/6/1989, đồng thời luôn kiểm duyệt chặt chẽ mọi bình luận về sự kiện này trên mạng xã hội.
Chưa có thống kê chính thức về số người chết do bị quân đội chính phủ tấn công, tuy nhiên ước tính của các nhân chứng lẫn tổ chức nước ngoài đặt con số này lên hàng nghìn người.
Ông Ngụy cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc từ năm 1989 chứng tỏ quyết định của chính phủ Trung Quốc là đúng.
“Biểu tình Thiên An Môn là sự rối loạn chính trị khiến chính phủ trung ương phải chế ngự, đây là chính sách đúng”, tướng Ngụy nói.
“Nhờ thế, Trung Quốc mới được hưởng sự ổn định, và nếu bạn tới thăm Trung Quốc, bạn có thể hiểu được phần lịch sử đó”.
Ước mơ dân chủ Trung Quốc ngày càng xa
Ngày 4/6/2019 là ngày đánh dấu 30 năm sự kiện Thiên An Môn. 30 năm trước lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cho quân đội xả súng vào người biểu tình đòi các quyền tự do và dân chủ. Bắc Kinh khi đó đổ tội cho người biểu tình, phần lớn là thanh niên và sinh viên, là những phần tử phản động đang âm mưu lật đổ Đảng.
Bất cứ hành động tưởng niệm nào, thậm chí cả ở trên internet đều bị cấm tại Trung Quốc đại lục. Một số nhân chứng từ cuộc biểu tình đang sống lưu vong ở nước ngoài cho rằng ước mơ dân chủ cho Trung Quốc của họ ngày càng xa vời bởi hệ thống đàn áp, giám sát tinh vi được trợ lực bởi công nghệ.
Theo trithucvn