Hôm 26/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lặp lại cáo buộc mà Nga đã đưa ra trước đó rằng Thổ Nhĩ Kỳ “tiếp tay” cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) buôn lậu dầu, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
“Như mọi người biết, Daesh (tên Ả rập của ISIS) tận hưởng việc bán dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian rất, rất dài. Tôi hy vọng là nó sẽ chấm dứt”, Bộ trưởng Moshe Yaalon lặp lại cáo buộc mà Nga đã đưa ra trước đó.
“Mọi thứ tùy vào Thổ Nhĩ Kỳ, vào chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, vào lãnh đạo nước này quyết định xem họ có muốn tham gia đánh khủng bố hay không. Cho đến nay thì không”, ông Yaalon nói trước các phóng viên tại Athens sau cuộc gặp với người đồng cấp Hi Lạp Panos Kammenos.
Thổ Nhĩ Kỳ trước sau vẫn bác bỏ cáo buộc nước này cho phép ISIS buôn dầu lậu. Mỹ tháng trước cũng không công nhận cáo buộc của Nga cho rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và gia đình Tổng thống Tayyip Erdogan là “đồng minh” buôn dầu với ISIS.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thừa nhận một điều là ISIS bán dầu cho những kẻ trung gian, dầu sau đó lại được chuyển lậu qua biên giới đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng chỉ trích rằng, Thổ Nhĩ Kỳ “cho phép quân thánh chiến đi lại tự do giữa châu Âu và Syria, Iraq như một phần của mạng lưới khủng bố ISIS”.
Nỗ lực bình thường hóa quan hệ Israel – Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải thất bại trong tháng 1 khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố, không có thỏa thuận nào đạt được liên quan đến việc bồi thường cái chết của 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2010 cũng như việc chấm dứt phong tỏa dải Gaza của Israel.
Các quan chức hai nước bắt đầu gặp nhau hồi tháng 12/2015 với hy vọng hàn gắn quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ cần mua khí đốt của Israel giữa bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Nga đang rất xấu.
Theo Tuổi Trẻ