Tinh Hoa

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hợp pháp’

Mới đây, Bộ Luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua, thay thế cho Bộ Luật Lao động 2012 hiện nay và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Theo bộ luật này, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. ‘Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp’.

Theo đó lương của chồng được phép chuyển thẳng vào tài khoản của vợ và ngược lại lương của vợ cũng được phép chuyển thẳng vào tài khoản của chồng nếu có sự thỏa thuận.

Ngày 16/12, Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận”. 

“Kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi, cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi, tránh tình trạng lương của tôi chuyển khoản cho tôi, sau đó tôi lại chuyển khoản cho vợ. Tôi thấy thuận lợi hơn thì lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt có gì đâu”, bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí tại buổi công bố Bộ luật Lao động 2019. (Ảnh: TTXVN)

Trước thông báo này của bộ luật này, nhiều độc giả đã đưa ra quan điểm của mình.

Độc giả N Nguyễn cho hay: “Theo tôi thì đâu cần phải đưa bộ luật lương của chồng vào tài khoản của vợ làm gì? Như tôi sống ở Hà lan gần 30 năm, năm 2000 tôi bảo lãnh vợ sang Hà lan và sau đó ra ngân hàng mở một tài khoản chung cho cả hai vợ chồng, sau đó ngân hàng họ cấp cho hai vợ chồng mỗi người một thẻ và mỗi thẻ có mật mã riêng. Sau đó tôi đưa số tài khoản cho chủ hãng, hàng tháng họ chuyển tiền vào đó, như vậy cả hai vợ chồng sử dụng chung một đầu lương đó là sự thỏa thuận của cá nhân trong gia đình đâu cần phải đưa vào luật lao động làm gì?  Sau 5 năm vợ tôi đi làm cũng đưa số tài khoản đó cho ông chủ của cơ quan hàng tháng họ chuyển tiền vào đó đâu cần phải viết giấy ủy quyền làm gì, Việt Nam đưa luật lao động này nó nhiêu khê quá. Bây giờ là thời kỳ 4.0 chứ đâu phải thời kỳ 0.4 mà phải rườm rà thủ tục. (Ví dụ một công ty có 10000 công nhân viên. Chỉ cần 50% viết giấy ủy quyền thì cái cơ quan đó phải có vài chục cái tủ để chứa hồ sơ và giấy ủy quyền), nếu tôi là chủ tôi không thừa tiền và thời gian lẫn nhân công để làm điều đó”.

Còn độc giả Phong Vu ở Hà Nội thì bình luận: “Lương chồng trả thẳng vào tài khoản của vợ thì về mặt hôn nhân gia đình có thể tạo gắn bó tin tưởng nhau hơn, có thể vừa tốt vừa tiện lợi cho xã hội. Nhưng đối với một ngân hàng làm nghiệp vụ quản lý tài sản nếu dám nhận bừa bãi khoản tiền ghi chuyển tới tên người A vào tài khoản tên người B thì là một ác mộng về kiểm soát và kiểm toán”.

Độc giả Nguyễn Thu Hiền nhận xét: Chồng muốn đưa tiền lương cho vợ thì đưa luôn cái thẻ ATM và password là vợ rút được tiền chứ đâu cần phải chuyển tới chuyển lui, rồi làm thỏa thuận này kia…”

Độc giả Nguyễn Văn Nhân ở Nghệ An viết: “Thực tế đất nước mình còn rất nhiều việc phải làm, phải nghĩ và người dân trông chờ vào những quyết sách lớn, có tầm vĩ mô hơn cho đất nước. Riêng câu chuyện tiền lương chuyển vào tài khoản vợ, hay chồng tôi thấy không cần, không nên phải bàn. Thực sự tôi thấy điều này không có gì đặc biệt cả!”

Từ Nguyên (t/h)