Tinh Hoa

Bộ trưởng Công Thương, Tài chính bị truy trách nhiệm vụ “dừng xuất khẩu gạo”

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói việc dừng xuất khẩu gạo giúp bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực nhưng giải trình này chưa làm hài lòng các đại biểu Quốc hội, các đại biểu cho rằng Bộ Công Thương phải “chịu trách nhiệm” vì đột ngột ngừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 15/6. (Ảnh qua vnexpress)
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 15/6. (Ảnh qua vnexpress)

‘Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm vì ngừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao’

Sáng ngày 15/6, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam, đại biểu tỉnh Khánh Hòa cho rằng Bộ Công Thương – một trong các cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về kinh tế phải “chịu trách nhiệm”ngừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao. 

Đại biểu tỉnh Quảng Trị là ông Hoàng Đức Thắng và đại biểu tỉnh Lâm Đồng ông Nguyễn Tạo cũng nhận xét rằng việc thiếu đồng bộ, nhất quán và lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. 

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 3, gạo đã bị hút rất mạnh khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước, thế giới liên tục tăng, với 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ chiến lược ở nhiều quốc gia khiến giao dịch mặt hàng này sôi động. 

Cũng thời điểm này, đặc biệt là ngày 22/3, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định, nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực. 

Nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long dù được mùa, cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục xuất khẩu với tốc độ 25.000 tấn/ngày như giai đoạn đầu tháng 3… 

Thừa nhận, có gián đoạn trong xuất khẩu gạo những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 nhưng ông Tuấn cho rằng xét tổng thể xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm bảo đảm được cân đối giữa xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực quốc gia và giá thóc, gạo tăng 25% so với 2019.

“Chúng ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất”, ông Tuấn Anh khẳng định.

‘Quyết định dừng rồi lại cho xuất khẩu quá đột ngột, gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp’

Chưa hài lòng với giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu tỉnh Cần Thơ nói “phần báo cáo của Bộ trưởng chỉ cho thấy phần tích cực”. Còn thực tế, Bộ Công Thương đã quyết định dừng xuất khẩu gạo cuối tháng 3 quá nhanh, rồi khi cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn, mở tờ khai xuất khẩu lúc 0h ngày Chủ nhật (11/4/2020)… thể hiện sự nóng vội.

Đồng thời, tham mưu của bộ, ngành Chính phủ có nhiều bất cập, thậm chí cho thấy sự nắm bắt không đầy đủ thông tin tình hình xuất khẩu gạo cả nước, nhất là ở vựa lúa lớn nhất nước – đồng bằng sông Cửu Long.

“Quyết định này gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác, không xuất hàng đi được, tốn thêm chi phí; trong khi bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao”, ông Xuân nhận định.

Việc hải quan mở tờ khai điện tử xuất khẩu gạo vào 0h không có gì xa lạ’

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc xuất khẩu gạo, mở tờ khai xuất khẩu hải quan điện tử 24/7 được thực hiện theo các quy định trong Luật Hải quan.

Từ khi hệ thống khai hải quan điện tử hoạt động, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0h sẽ tự động áp dụng vào 0h ngày tiếp theo. Vì thế việc hải quan mở tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo tại thời điểm 0h, ông Dũng nói “không có gì xa lạ”.

Ngày 11/4 cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo hạn ngạch 400.000 tấn là theo quyết định của Bộ Công Thương trước đó“, ông Dũng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, vừa qua cơ quan này đã cố gắng cải cách ngành hải quan, tăng cường kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm sai phạm và hứa sẽ thực hiện tốt kết luận Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước giải trình của Bộ trưởng Công thương và Tài Chính, Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Cần Thơ đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành dừng, rồi mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại tình trạng này. “Việc điều hành phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân, doanh nghiệp và đừng để sự nóng vội, thiếu tính toán gây thiệt hại không đáng có”, ông nhấn mạnh.

Trước đó vào ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi đại dịch Vũ Hán (Covid-19) diễn biến phức tạp. Lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Điều đáng nói là chỉ một ngày sau đó, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. 

Đến ngày 10/4, Thủ tướng ký quyết định xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4. Sau đó, đánh giá lại dữ liệu Bộ Công Thương đề nghị xuất khẩu gạo không hạn ngạch trở lại từ tháng 5 và được Thủ tướng đồng ý…

Vũ Tuấn (t/h)