Bị chỉ trích là ‘thiếu trách nhiệm’ vì liên tục lùi Dự án Sửa đổi luật đất đai, Bộ TN&MT đưa ra báo cáo giải trình với 6 vấn đề bất cập cần thời gian chuẩn bị, đồng thời đưa ra tín hiệu sẽ lấy ý kiến toàn dân.
Bộ TN&MT vừa có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành để giải trình về lý do dời sửa Luật Đất đai.
Trước đó vào ngày 22/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Được biết, đề nghị này đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích của một số Đại biểu Quốc hội, cho rằng đây là đề nghị thiếu trách nhiệm.
Đơn cử là đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang), dẫn số liệu thực tế là khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cũng đưa ra tài liệu cho thấy 59% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch. Các con số trên đều cho thấy thực tế cấp bách của dự án này.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, sau khi tổ chức các hội thảo và tham khảo ý kiến các bộ, ngành và giới chuyên gia thì nhận thấy rằng Luật Đất đai 2013 có 6 nội dung cần phải sửa đổi luật toàn diện, chứ sửa đổi và bổ sung sẽ không thể giải quyết được căn cơ vấn đề bất cập và hạn chế hiện nay.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai có tác động rất lớn đến các quan hệ, đối tượng trong xã hội, tác động đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, do đó cần thiết phải lấy ý kiến toàn dân, nên cần phải có thời gian chuẩn bị.
6 nội dung sửa đổi cụ thể là:
- Các chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và vấn đề an ninh lương thực.
- Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
- Chính sách thuế, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và đất đã giao, cho thuê đối với doanh nghiệp nhưng lại bỏ hoang…
- Việc xây dựng khung giá đất theo giá thửa đất chuẩn của vùng giá trị.
- Việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế – xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài…
- Chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hạn mức để xây dựng cơ sở thờ tự, cho thuê đất đối với trường hợp tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích như xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa được phép hoạt động.
Từ Thức (t/h)