Trước nhiều băn khoăn và mong muốn được hỗ trợ kinh phí khi giao nộp phương tiện của người lao động, Bộ Tài nguyên cho biết, Nhà nước không cưỡng chế mà chỉ khuyến khích người dân bán sản phẩm thải loại cho nhà sản xuất.
Đồng tình với quy định của Chính phủ nhằm giảm tác động xấu đến môi trường, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Thành, làm nghề xe ôm ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn có nhiều băn khoăn. “Nhà nước khi thu xe có hỗ trợ gì không hay nói thu là thu? Những xe cũ, dù hư hỏng nhưng cũng là tài sản mà một nắng hai sương, tích góp mới mua được”.
“Cần quy định rõ xe như thế nào là phải thu hồi, quyền lợi của người mang xe đi nộp như thế nào, được hỗ trợ bao nhiêu? Có như vậy chúng tôi mới mang xe của mình đi nộp, chứ không gọi hàng sắt vụn vào thanh lý cho nhanh”, anh Nguyễn Văn Thắng là một lao động nghèo quê Bắc Giang chia sẻ.
Liên quan đến việc thu hồi và xác định niên hạn sử dụng của xe máy, ôtô, đại diện của nhiều nhà sản xuất cho rằng việc này là rất khó bởi hầu hết không đơn vị nào bán xe ghi rõ thời hạn sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hà là Giám đốc marketing của một hãng xe máy lớn ở Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề không mới với các nước tiên tiến. Họ làm từ rất lâu, có quy chuẩn, hướng dẫn rất cụ thể. Trong khi đó, quy định này ở Việt Nam rất chung chung, khiến nhiều người không hiểu là thu hồi như thế nào.
“Đơn cử như việc làm sao để xác định được hạn sử dụng của một chiếc xe máy. Cùng chủng loại, mẫu mã của một nhà sản xuất nhưng có người đi nhiều, người thường xuyên cất trong nhà nên máy móc sẽ khác nhau. Cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể như động cơ, khí thải ra sao…”, ông Hà nêu quan điểm.
Về trách nhiệm của các hãng sản xuất đứng ra thu hồi sản phẩm thuộc đơn vị mình, ông Hà nhận xét, quy định này chưa rõ ràng, nên giải thích ai là người ra quyết định thu hồi, thu hồi như thế nào. “Bản thân nhà sản xuất không thể tự đi thu hồi của người dân được mà chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận”, ông Hà nói.
Ở góc nhìn của chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết, nếu việc này thực hiện khi không có hướng dẫn cụ thể sẽ không khả thi, cần phải có lộ trình, nghiên cứu kỹ phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Theo Tiến sĩ Thủy, nếu quy định đưa ra mà không có điều khoản, chính sách khuyến khích và thu hút cả người tiêu dùng và người sản xuất thì sẽ khó thực hiện.
Trước những băn khoăn trên, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên, cơ quan tham mưu đề xuất quy định, lý giải rằng, quy định này không gây khó dễ cho người tiêu dùng hay cho các nhà sản xuất mà chỉ khuyến khích người dân bán sản phẩm thải loại cho nhà sản xuất vì họ biết cách xử lý và tận dụng các sản phẩm tái chế sau khi thu hồi.
“Nhà nước cũng không cưỡng chế và phạt với người dân không chấp hành”, ông Tùng nhấn mạnh.
Với xe máy cũ nát, người sử dụng sẽ phải kiểm định khí thải hàng năm để biết có đủ điều kiện hoạt động hay không. Ôtô đang được kiểm định qua cơ quan đăng kiểm nên có lộ trình loại bỏ các sản phẩm này.
Theo VNE