Chính phủ đã thúc giục Bộ Thông tin-Truyền thông xây dựng một bộ qui tắc ứng xử đạo đức cho những nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng như cư dân mạng xã hội.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra yêu cầu như vừa nêu vào ngày 30/10 tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam đang diễn ra ở Hà Nội.
Ông Trương Hòa Bình cũng nói rằng, Chính phủ yêu cầu các cơ quan hợp tác với hai mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook và Google để ngăn chặn những thông tin bị cho là sai lệch, trái với quan điểm, chính sách, cương lĩnh của Đảng và nhà nước.
Theo nhiều nguồn tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ thị cho Bộ Thông Tin – Truyền Thông thành lập một trung tâm theo dõi an ninh mạng. Mục tiêu nhằm phòng chống những cuộc tấn công mạng, và trung tâm này sẽ tự động tìm, đánh giá các thông tin trên mạng.
Trong buổi họp Quốc hội ngày 31/10, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã than phiền rằng, có nhiều phát biểu xúc phạm đến các quan chức cao cấp của nhà nước trên mạng xã hội, và phải tìm cách ngăn chặn việc đó.
Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời rằng, để làm như vậy sẽ phải sửa đổi một số điều luật.
Trong khi đó, vào tháng 10/2018, tại tỉnh Thanh Hóa đã có 7 học sinh trung học phổ thông bị đuổi học với lý do đăng lời lẽ xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội Facebook.
Ngày 1/1/2019, Luật An ninh Mạng Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy rằng luật này đã bỏ điều khoản qui định các công ty nước ngoài phải lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, nhưng vẫn buộc họ cung cấp thông tin người dùng nếu được công an yêu cầu.
Điều này làm dấy lên chỉ trích cho rằng, luật an ninh mạng của Việt Nam được đưa ra nhằm bóp nghẹt tự do biểu đạt trên không gian mạng.
Theo RFA