Cầm trên tay bộ quần áo mới trong thùng rác, bà nội gạt dòng lệ đang lăn dài trên gò má, giá như bà có nhiều tiền để mua đồ đẹp hơn cho cháu trai…
Có bốn người trong gia đình, cha mẹ, bé Huy và bà nội đã trên 70 tuổi. Vì ba mẹ bé Huy chưa dư giả để nuôi cả nhà nên ngày ngày bà nội vẫn ra chợ bán đồ phụ giúp. Đồ bà bán không nhiều nhặn gì, chỉ là vài chục trứng. Mỗi quả trứng giá 5 xu, ngày nào bà cũng đi bán hàng từ sớm, những mong bán được thật nhiều để có thêm tiền mang về. Sức bà yếu, chỉ có thể làm vậy để phụ thêm con cháu.
Bé Huy sắp vào lớp 1, một ngày nọ bà về nhà muộn hơn thường lệ, mọi người không chờ được nên đã ăn trước rồi. Bà không ngồi vào bàn ăn ngay dù chắc đã đói lắm rồi, khuôn mặt khắc khổ già nua của bà rạng ngời niềm vui khác thường, bà hồ hởi gọi: “Con yêu ra đây bà mua quà cho con này, khai giảng vào lớp một học ngoan nhé con!”.
Huy sà vào lòng bà, mở gói đồ ra xem: Một bộ quần áo mới, còn có cả hai con gấu xinh xắn trước ngực. “Hay quá Thứ Bảy tuần sau cũng là sinh nhật con, con sẽ mặc bộ này luôn bà nhé. Rồi khai giảng con lại mặc tiếp. Con cảm ơn bà ạ!”.
Hai khuôn mặt kề sát nhau, một khuôn mặt khắc khổ răn rúm nếp nhăn và một khuôn mặt trẻ thơ trong sáng, nhưng cả hai đều rạng ngời hạnh phúc.
Huy mang gói quà bà tặng khoe mẹ, mẹ lập tức ngửi thấy mùi không mấy thơm tho, giở ra thấy bộ quần áo tuy mới nhưng chất vải thô, xấu, không mềm mịn như trang phục Huy vẫn mặc.
Mẹ nói luôn trước cả nhà: “Con còn rất nhiều quần áo đẹp mà, bộ này cứ để đó mặc sau đi!”.
Không khí trong nhà như chùng xuống, bà nội lặng lẽ không nói gì, bà quay ra bàn ăn bữa cơm để phần đã nguội lạnh, dáng còng của bà lại thêm còng hơn, như có gì đó đang đè nặng trên lưng bà. Mẹ còn nói gì đó với ba, và có lẽ bà nghe thấy được. Nhưng bà vẫn lặng lẽ, cố nuốt miếng cơm rồi đi nghỉ, cả ngày đứng bán trứng, chắc chân đã mỏi, tay đã đủ rã rời…
Nửa đêm hôm ấy cả nhà ngủ say, có tiếng ai đó khẽ khàng mở cửa, thật nhẹ, thật nhẹ. Bà nội rờ rẫm trong bóng tối đi ra ngoài nhà, bà mở nắp thùng rác và lặng đi: Bộ quần áo bà vừa mua cho cháu yêu đang nằm ở ngay trên đó! Bà lặng lẽ gạt nước mắt, khuôn mặt gầy gò của bà càng như nhỏ lại…
Lát sau bà lại lặng lẽ vào nhà, tưởng chừng như hết sức rồi, thùng rác khuyết mất bộ quần áo mới bỏ, nó đã nằm trên tay bà nội Huy.
Có người quan sát toàn bộ sự việc đó, và người ấy mắt cũng ngấn lệ…
Ngày hôm sau rơi vào Thứ Bảy, mẹ ra ngoài uống trà với bạn, bà nội dậy sớm ra chợ bán trứng như mọi hôm. Cha đánh thức con trai và bảo đi ra ngoài dạo.
“Hôm nay chúng ta đi xem bà nội bán trứng thế nào con nhé?”.
Bé Huy hăm hở vâng lời.
Hai cha con bí mật đi theo bà nội, hóa ra bà không bán trứng ở chợ vì thuế cao quá, bà bán dạo ngoài vỉa hè. Nơi bà đứng bán trứng ít người qua lại quá, hết cả buổi sáng bà mới bán được 30 quả trứng, càng gần trưa, nắng gắt chói chang, càng ít người qua lại. Đến giữa trưa nắng nóng, bà đột nhiên cúi xuống lấy thứ gì đó và đi thẳng về nhà. Nhưng hóa ra không phải bà về nhà, bà rẽ vào một tiệm tạp hóa.
Tay cầm giỏ trứng, tay kia bà cầm chiếc túi bí, bà đi vào quầy và nói với ông chủ tiệm: “Cho tôi trả lại bộ quần áo này được không?”.
Ông chủ tiệm nhìn bộ quần áo đã nhuốm tí vết bẩn chắc do hôm qua nó bị ném vào thùng rác, ông lắc đầu: “Không được, đồ bẩn thế này ai muốn nhận lại?”.
“Mắt tôi kém quá không nhìn thấy vết bẩn, vậy để tôi mang về giặt sạch rồi trả ông được không?”.
Ông chủ vẫn lắc đầu quầy quậy: “Bà giặt rồi thì làm sao bán được nữa, thành quần áo cũ à?”.
Bà năn nỉ nhưng ông chủ vẫn chỉ lắc đầu.
“Ông ơi làm ơn làm phúc cho tôi trả lại bộ quần áo này…tôi đã đứng bán trứng suốt hai tuần, bán ở nhiều nơi để có đủ tiền mua bộ quần áo cho cháu trai, sắp tới sinh nhật cháu, cháu lại sắp vào lớp 1 rồi. Nhưng gia đình không ưng, tôi muốn cố gắng để mua cho cháu bộ đẹp hơn, nếu ông không cho đổi, tôi biết lấy đâu ra tiền mua quà cho cháu tôi đây…”
Bà nói trong nước mắt, đôi vai gầy và mái tóc bạc phơ run rẩy trong bất lực.
“Tôi hứa với ông, nếu ông cho đổi bộ quần áo này, sau khi kiếm đủ tiền tôi sẽ mua lại. Nhưng bây giờ tôi rất cần số tiền đó để mua quà cho cháu tôi”.
Rất nhiều người thấy vậy đã tò mò tập trung ở cửa hiệu để xem chuyện gì xảy ra.
“Bà lão đi nhanh cho nhờ, bà làm thế này người ta hiểu nhầm tưởng tôi bắt nạt bà đấy, bà đi ngay cho đi”.
Ông chủ phẩy tay đuổi bà nội. Bà lẩy bẩy ra ngoài, tưởng như không còn chút sức lực nào nữa. Bà ngồi sụp xuống đất, trong lòng buồn vô hạn… “vậy là bà nội không thể mua quà cho cháu yêu được rồi, bà biết làm sao đây?”.
Bỗng một bàn tay trẻ nhỏ cầm lấy đôi tay gầy guộc của bà, nhẹ nhàng cầm lên bộ quần áo bị nhuốm bẩn: “Bà ơi đừng trả lại bộ quần áo, đây là thứ con thích nhất bà ạ!”.
Cha và Huy cùng đỡ bà dậy, “mẹ ơi cả cuộc đời mẹ đã tần tảo nuôi con khôn lớn, đến giờ con vẫn để mẹ ngày ngày đứng ngoài đường bán trứng, con là đứa con bất hiếu, mẹ hãy tha lỗi cho con mẹ ơi…”, cha Huy nói trong nước mắt giàn giụa. Bà nội cũng rơi nước mắt, nhưng đó là giọt nước mắt hạnh phúc. Rồi cả ba người cùng nhau về nhà.
Mấy ngày hôm sau sinh nhật Huy mặc chiếc áo có gắn hình con gấu trước ngực, cậu bé tỏ vẻ hạnh phúc hơn bao giờ hết. Gia đình đầy ắp tiếng cười vui vẻ và đầm ấm.
Hạnh phúc chỉ cần vậy thôi, khi mọi thành viên trong gia đình quan tâm và yêu thương đến nhau, khi những món quà trao cho nhau dựa trên tình yêu thương chân thành và sâu sắc, chứ không phải bởi đó là món quà đắt tiền hay sang trọng. Hạnh phúc cũng nằm ở chỗ mọi người trân quý tình cảm của nhau, và một gia đình hạnh phúc là gia đình mà người già không bao giờ bị tổn thương.
Theo minhbao.net