Bộ Nội vụ: 9 người dân Việt Nam đang phải nuôi 1 cán bộ nhà nước
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, tính trung bình cứ 9 người dân đang phải nuôi 1 cán bộ công chức, viên chức, cộng với số người hưu trí… mang tính chất hưởng lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người, bằng 11,5% dân số. Ngoài ra, người dân còn phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của 2,8 triệu công chức nhà nước.
Tỷ lệ công chức và viên chức của Việt Nam cao nhất châu Á
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) đã dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3/2018, và tính toán: “Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách”.
Theo đó, bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người.
Cũng theo số liệu của Bộ Nội vụ tính đến tháng 3 năm 2018, Việt Nam có gần 137 ngàn tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố. Chỉ riêng từ cấp phường xã trở xuống thì số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 1,3 triệu người.
Ngoài việc vừa phải nuôi cán bộ, người dân còn phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức nhà nước.
TS Phạm Duy Nghĩa cho hay: “Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8% – cao nhất so với các quốc gia châu Á, và hiện trạng này là một phần lý do khiến Việt Nam vẫn còn nghèo và yếu”.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, khi cựu Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam đã rất ngạc nhiên trước thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng khoảng 25% dân số nước Mỹ, nhưng số lượng công chức Việt Nam lại đông hơn công chức Mỹ.
“Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như vậy”, ông Bảo cho hay.
Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì nhận định: “Một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được”.
Cắt giảm biên chế
Trước tình hình này, trong năm 2019, cả nước đã giảm hơn 15.000 lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó các cấp; giảm 236.000 công chức, viên chức, 41.000 hợp đồng 68 và hơn 25.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Tuy nhiên, việc tinh giảm biên chế đã phải tiêu tốn không nhỏ ngân sách nhà nước. Theo đó, chỉ riêng năm 2019, Thành phố Đà Nẵng đã giải quyết cho 24 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức lớn tuổi nghỉ việc trước độ tuổi nghỉ hưu, kinh phí chi trả trung bình cho mỗi trường hợp thôi làm nhiệm vụ hoặc thôi việc là 450 triệu đồng. Tổng số tiền chi trả cho 24 cán bộ khoảng 11 tỷ đồng.
Sở tài chính Hà Tĩnh cũng cho biết, tính đến ngày 23/12/2019, Sở đã chi 19 tỉ cho 129 cán bộ, công chức cấp xã, 7 cán bộ, công chức cấp huyện và 48 người hoạt động không chuyên trách cấp xã xin nghỉ việc. Trong đó, có nhiều cán bộ nhận được số tiền rất lớn sau khi “gương mẫu xin nghỉ việc”, trong đó 1 cán bộ công chức công tác tại UBND xã Thạch Liên (huyện Thạch Hà) nhận số tiền 574 triệu đồng, Bí thư xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhận 760 triệu đồng.
Thực trạng này cũng góp phần vào việc ‘bội chi ngân sách nhà nước’, chưa kể đến hàng loạt chi phí cho bộ máy nhà nước chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước khác không có như xe công. Hay tình trạng mỗi tỉnh, mỗi bộ ngành đều có nhà khách riêng kèm theo chi phí tiếp tân, tiếp khách là sự lãng phí quá lớn. Hoặc cứ công trình nào khởi công, khánh thành cũng phải có công chức bộ ngành tham dự; rồi kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành hay bộ ngành đều tổ chức rình rang… Tất cả những chi phí này đều dồn vào ngân sách nhà nước.
Họp nhiều – ‘bệnh nan y’ của bộ máy Nhà nước
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bộ máy của chúng ta hiện đang tồn tại thực trạng: Thừa người nhưng không rõ chức năng, thiếu quyền, ít chịu trách nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Việt Nam lắm cấp phó, Việt Nam bàn nhiều về “ghế”, về biên chế, mà ít bàn về cơ chế, chức năng bộ máy – yếu tố quyết định cơ cấu nhân sự. Thực trạng họp lu bù là phổ biến và là “bệnh nan y”, họp nhiều như vậy thì còn thời gian đâu để làm việc.
TS Trần Đình Thiên dẫn chứng: Tại TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, với 4 người trong ban Giám đốc, lãnh đạo Sở trong 7 tháng đầu năm 2017, phải dự hơn… 2.000 cuộc “họp”. Sở Quy hoạch – Kiến trúc: từ đầu năm đến T8/2017: Giám đốc và 3 Phó Giám đốc và lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt của Sở phải dự hơn 1.500 cuộc họp.
Nói về giải pháp tinh gọn bộ máy, cựu Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết ông từng đề xuất nên sắp xếp lại bộ máy nhà nước xuống còn dưới 20 bộ là hợp lý.
“Các nước phát triển chỉ có từ 10 đến 12 bộ, đặc biệt ở Thụy Sĩ chỉ có 7 bộ”, ông Phúc cho hay. “Phải làm như vậy thì bộ máy mới gọn nhẹ, mới giải được bài toán bộ máy vẫn phình và biên chế vẫn lớn.”
Từ Nguyên (t/h)