Nằm tại Governor Island, New York, nơi một bãi đất hoang gồm những đồ phế thải bỏ đi đang trở thành một sân chơi kì thú cho những đứa trẻ.
“Bố mẹ trực thăng”
“Helicopter parents” (bố mẹ trực thăng) là cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình.
Những chiếc “trực thăng” lởn vởn ngay trên đầu, đeo bám đối tượng là hình ảnh liên tưởng khá sinh động để nhắc khéo những phụ huynh chẳng chịu “buông tha” con mình. Chuyện tưởng chừng chỉ xảy ra ở phụ huynh châu Á, giờ lại là vấn đề được quan tâm ở các quốc gia phương Tây vì nhầm lẫn giữa tình yêu thương và sự áp đặt.
“Các bậc cha mẹ thường bắt con cái của mình chơi trong công viên cùng bạn bè, anh chị em mà không có sự giám sát, nhưng họ không bao giờ để con cái mình vượt ngoài tầm kiểm soát của họ cho đến khi chúng đến tuổi thanh thiếu niên”, Ben Adler viết.
“Tại một số vùng ngoại ô, một vài bố mẹ sẽ để con cái của họ tự do chơi đùa ngoài công viên mà không cần có người đi kèm”.
Nhiều nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra, “bố mẹ trực thăng” những năm gần đây trở thành hiện tượng khá phổ biến. Theo một khảo sát, có đến 38% sinh viên năm nhất thừa nhận bố mẹ vẫn can thiệp, thay mình giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đối với sinh viên năm cuối, tỷ lệ này là 29%. Theo trung tâm khảo sát Pew, 73% phụ huynh từ 40-60 tuổi vẫn còn chu cấp tiền cho con (ngoài chi phí đại học).
Nhìn chung, gia đình càng khá giả, bố mẹ càng chăm chút con nhiều hơn. Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel, tác giả của nhiều quyển sách về làm cha mẹ xác nhận, nhiều khách hàng của cô nay là người trưởng thành gặp các vấn đề về tâm lý, loanh quanh tìm hiểu bản thân vì có “bố mẹ trực thăng”. Họ được bảo bọc quá kỹ đến mức chẳng còn khả năng đương đầu với khó khăn hay chấp nhận thất bại, đối diện với thực tế.
Mô hình “sân chơi nguy hiểm”
Tại thành phố New York, một sân chơi cho trẻ được thành lập từ bãi bỏ hoang gồm toàn các phế liệu đang được nhiều phụ huynh cho con cái của mình tham gia hưởng ứng.
Sau khi bố mẹ của những đứa trẻ kí xác nhận, những đứa con của họ sẽ được đưa đến sân chơi bỏ hoang này – một không gian vô cùng tự do, thoải mái để mặc sức khám phá thế giới. Ở đó có những lốp xe cũ, hệ thống tản nhiệt bằng nhựa, những miếng gỗ với đủ hình đủ dạng, cưa, xe đẩy,…
Tại đây, các em có thể được sử dụng cưa, búa, bị bẩn… và tự mình khám phá mọi thứ. Đây là một không gian để trải nghiệm, thúc đẩy trẻ em chơi đùa và khám phá, thoát khỏi sự quan tâm quá mức.
Bố mẹ không được vào chơi cùng, nhưng tại sân chơi sẽ có các hướng dẫn viên quan sát. Với địa hình trong khu sân chơi, rất khó để tránh khỏi việc những đứa trẻ không bị bẩn hay trầy xước.
Nghiên cứu của Ellen Sandseter – một giáo sư về giáo dục mầm non tại trường Đại học Queen Maud ở Trondheim, Na Uy – đã phát hiện rằng những đứa trẻ dành nhiều thời gian khám phá về thế giới xung quanh trước khi lên 9 tuổi ít có khả năng lo lắng và các vấn đề xa cách khi lớn. Tương tự, những đứa trẻ bị ngã từ trên cao xuống lúc 5-9 tuổi ít có khả năng sợ độ cao khi ở tuổi 18.
Điều này cho thấy những vết thương nhỏ và thất bại của trẻ trong quãng đầu đời giúp ích nhiều cho sự tự tin và phát triển tâm lý của chúng sau này. Những thất bại, vấp ngã dạy cho trẻ biết được đâu là giới hạn của mình, làm thế nào để xử lý những tình huống đáng sợ đó, học cách kiểm soát rủi ro, sợ hãi của chính mình.“Sự lo lắng của chúng ta sợ những đứa trẻ bị tổn hại có thể làm chúng sợ hãi hơn và tăng tỉ lệ mắc bệnh tâm thần”, bà viết.
Sân chơi rất ý nghĩa khi để cho những đứa trẻ tự do thoải mái khám phá cuộc sống xung quanh, tạo ra những lỗi sai và tìm cách tự sửa chữa. Hy vọng hình “sân chơi mạo hiểm” này sẽ được nhiều “ông bố bà mẹ trực thăng” hưởng ứng.
Tổng hợp