Một nghiên cứu ở Anh cho thấy trẻ em bị tổn thương bởi những cuộc cãi vã xảy ra trước khi ly dị nhiều hơn chính việc chia tay của bố mẹ. Do đó bố mẹ nếu có xích mích thì nên tránh cãi nhau trước mặt con trẻ.
Qua nghiên cứu 19.000 trẻ sinh ở vương quốc Anh năm 2000, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc chứng kiến những cuộc xung đột tại nhà của bố mẹ trước khi ly dị khiến trẻ có nguy cơ tăng 30% các vấn đề hành vi.
Những cuộc xung đột của bố mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, sự phát triển các kỹ năng xã hội và tâm lý của trẻ cũng như thành tích học tập, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng hình thành những mối quan hệ trong tương lai của trẻ. Việc bố mẹ cãi nhau còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ, kéo dài suốt thời kỳ trẻ trưởng thành và thậm chí ảnh hưởng đến cả thế hệ con của trẻ. Và những ảnh hưởng của việc bố mẹ cãi nhau đến trẻ bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ.
Những em bé mới sáu tháng tuổi khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau cũng đã có những biểu hiện sinh lý thể hiện sự đau đớn như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của người lớn mà không phải là bố mẹ mình.
Từ những phát hiện trên trong nghiên cứu mới đây của Đại học York (Anh) cùng với nhiều nghiên cứu trước đó càng thấy sự nguy hại của việc bố mẹ cãi nhau trước mặt con trẻ.
Dù biết rằng cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng phẳng lặng, có nhiều khi bực mình với “đối tác” thì chỉ muốn nổi xung lên, muốn ra sao thì ra, “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Nhưng nếu nghĩ đến con trước hết, muốn con được phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần, thì các bậc cha mẹ cần đặt ra một quy ước về tranh cãi để làm sao con trẻ ít bị ảnh hưởng nhất.
Tôi biết có một số gia đình tuân theo quy ước là không bao giờ cãi nhau trước mặt con, mà sẽ ra ngoài (ví dụ như ra công viên) tranh cãi để con không phải chứng kiến. Để làm được điều này hẳn không đơn giản, vì khi đang bực tức trong lòng thì chỉ muốn nói cho hả giận. Nhưng nếu đã có quy định này từ trước, thì nó cũng như một cái phanh, hãm cơn bùng phát lại, ít nhất là trong ngôi nhà, trước sự chứng kiến của con trẻ.
Một khi đã tuân theo quy ước không cãi nhau tại nhà, thì dần dần độ bùng phát cơn giận dữ của vợ chồng cũng sẽ “hạ nhiệt”, bởi vì không phải lúc nào cũng có thể ngay lập tức ra khỏi nhà để cãi nhau tiếp. Mà đến khi ra được bên ngoài để có thể tranh cãi “vô tư” mà không bị con trẻ chứng kiến thì có khi lại hết giận nhau rồi.
Quy ước này để làm được thì không dễ. Nhưng một khi đặt ưu tiên đến sự phát triển lành mạnh của con, thì bố mẹ sẽ biết mình cần làm gì!
TinhHoa tổng hợp