Trong tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 bắt đầu hôm 27/10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã giải trình trước Quốc hội lý do Long Thành (Đồng Nai) được chọn làm nơi xây dựng sân bay mới.
Theo Bộ trưởng Thăng, khu vực lựa chọn xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cấp vật liệu lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng hàng không. Khí hậu ở đây khá tốt, ít xảy ra sương mù, bão.
Với các hãng hàng không và liên minh hàng không có nhu cầu làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa, thì Long Thành cũng được đánh giá là điểm trung chuyển lý tưởng bởi khoảng cách hợp lý, tính hiệu quả cao.
Theo như công bố của Bộ GTVT, việc lựa chọn xây dựng Cảng hàng không quốc tế ở Đồng Nai còn phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và kết nối giữa sân bay Long Thành với TPHCM, gồm 3 đường cao tốc: Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Bến Lức-Long Thành; Biên Hoà-Vũng Tàu và tuyến đường sắt: Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây…
Bên cạnh đó, việc huy động 5.000 ha mặt bằng để phục vụ dự án được Bộ GTVT cho là khả thi.
Về môi trường xã hội, chính trị Việt Nam ổn định, không có xung đột tôn giáo, sắc tộc.
Dù vậy, những khó khăn đối với dự án còn không ít.
“Thiệt hại về lý thuyết đáng kể nhất là phải phá đi hơn 1.700 ha cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhưng trên thực tế thì số diện tích cao su này đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp, không còn hiệu quả”, báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ nêu rõ.
Bộ trưởng Thăng cho biết, giai đoạn phát triển ban đầu sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực như Chek Lap Kok (Hongkong), Changi (Singapore), Kuala Lumpur (Malaysia), Subvabuhami (Thái Lan).. Tuy nhiên, Việt Nam lại có thị trường lớn với hơn 90 triệu dân trong khi Hong Kong chỉ khoảng 6 triệu, Singapore tầm 5,4 triệu, Malaysia là 30 triệu, còn Thái Lan 67 triệu..
Tổng Hợp