Tinh Hoa

Bộ GTVT: Kiến nghị tăng phí BOT hoặc bù lỗ 5000 tỷ cho DN

Có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính của hợp đồng BOT, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng tăng phí BOT hoặc hỗ trợ 5000 tỷ cho các doanh nghiệp (DN).

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN BOT giao thông bị giảm thu do ảnh hưởng từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19).

Theo Bộ GTVT, do ảnh hưởng từ đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN BOT do lưu lượng phương tiện giảm sâu. Có tới 58/60 dự án không đạt được doanh thu dự báo, trong đó có 17 dự án doanh thu thực tế dưới 50% so với dự báo.

Các DN BOT cho rằng họ gặp nhiều khó khăn vì phải trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng đã có kiến nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay từ các DN này.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án tăng phí BOT. Trong trường hợp chưa tăng phí trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cần chi khoản ngân sách 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ.

(Ảnh minh họa: vetc.com.vn)

Trong trường hợp tăng phí, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch viêm phổi Vũ Hán.

Ngoài ra, giao cho Bộ GTVT tính toán kinh phí nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm 50% so với phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí. Trường hợp cần thiết, đề xuất nhà nước trưng mua lại toàn Bộ dự án.

Trước đó, đáp lại lời cầu cứu của các DN vận tải bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Bộ GTVT đã thẳng thắn từ chối giảm phí BOT. Được biết, các DN vận tải đang gặp khó khăn do nhu cầu khách và vận tải hàng hóa đều sụt giảm mạnh trong đại dịch. Chi phí BOT và phí bảo trì đường bộ chiếm khoảng 30-40% giá thành vận tải. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng các DN BOT cũng gặp khó khăn và cần được chia sẻ khó khăn này.

Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài Chính Ngân sách Quốc hội cho rằng: “BOT giao thông khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vận tải cũng gặp muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp vận tải không đồng tình, người dân không đồng tình tăng phí BOT là có cơ sở. Không thể lúc lời lãi thì doanh nghiệp hưởng, còn lúc thua lỗ lại bắt người dân, nhà nước phải gánh. Doanh nghiệp thường kêu ca khi làm ăn thua lỗ, nhưng kinh doanh là phải tính dài hơi chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Là người dân tôi không đồng tình với đề xuất tăng phí này”.

Từ Thức (t/h)