Quốc hội không tán thành ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà Bộ Công An đề xuất nhằm thành lập lực lượng mới lên đến 1,5 triệu người.
Tại phiên thảo luận góp ý Luật xây dựng lực lượng an ninh trật tự cơ sở diễn ra vào sáng 17/11, Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến đại biểu với kết quả là đa số phiếu chống.
Được biết, Dự thảo luật ban hành nhằm xây dựng một lực lượng mới, trên cơ sở bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách hiện có (khoảng hơn 700 nghìn) và bổ sung thêm để đạt tới con số 1,5 triệu người.
Trước đó, nhiều đại biểu đã có tiếng nói, cho rằng cần xem xét lại dự thảo Luật xây dựng lực lượng an ninh trật tự cơ sở bởi sẽ làm tăng biên chế, tạo gánh nặng cho ngân sách trong khi vai trò và chức năng nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng.
Như Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội cho rằng hiện nay lực lượng công an đã quá đông và nên phát huy những gì sẵn có, thay vì xây dựng thêm.
Theo kết quả tổng kết phiếu xin ý kiến với 393 đại biểu tham gia, về sự cần thiết ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có tới 290 đại biểu cho rằng chưa cần thiết (chiếm 73,7% đại biểu tham gia lấy ý kiến và chiếm 60,2% tổng số đại biểu). Trong khi đó, chỉ có 96 đại biểu có ý kiến cho rằng cần thiết, chiếm tỉ lệ 24,43% đại biểu lấy ý kiến và 19,9% đại biểu. Có 25 đại biểu không chọn phương án và có ý kiến khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng lấy ý kiến cho việc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật này nhưng cũng không được đa số tán thành.
Đáng chú ý, đây là Dự án luật thứ hai bị phủ quyết liên quan đến ngành công an trong kỳ họp này của Quốc hội. Cụ thể là cũng trong ngày 17/11 này, Quốc hội cũng đã lấy ý kiến và nhận kết quả đại đa số không tán thành việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Hơn nữa đều là với tỷ lệ tương đối áp đảo.
Từ Thức (t/h)