Lấy lý do các bộ liên quan chưa cho ý kiến về một số vấn đề “nhạy cảm”, Bộ Công an đã đề xuất hoãn xin ý kiến về Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII vào tháng 3/2016.
Chiều 11/12, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tờ trình việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII diễn ra vào tháng 3/2016, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 11 sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội cũng tiến hành cho ý kiến dự án Luật Biểu tình với thời gian 1 ngày.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an được Chính phủ giao soạn thảo Luật Biểu tình để trình Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật Biểu tình đã xây dựng xong và đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, về một số vấn đề “nhạy cảm”, hiện các bộ liên quan chưa cho ý kiến, như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.
Do vậy, nếu đưa Luật Biểu tình vào để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp ý kiến các bộ liên quan. Ban soạn thảo đề xuất lùi Luật Biểu tình lại, thay vào đó là trình Quốc hội cho ý kiến về Luật cảnh vệ tại phiên họp tới. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Luật Cảnh vệ đã được thẩm định xong nên có thể đưa ra để Quốc hội cho ý kiến.
Liên quan đến Luật Biểu tình, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết bộ đã nghiên cứu, thảo luận nhưng chưa có sự thống nhất từ các cơ quan. Sang tuần tới, Bộ Quốc phòng sẽ triệu tập Quân ủy Trung ương để bàn Luật Biểu tình và sẽ có ý kiến chính thức.
Trước đề xuất của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay nếu muốn thay đổi chương trình thì Chính phủ phải có văn bản chính thức. Tuy nhiên, nếu đưa Luật Cảnh vệ vào để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 tới sẽ không kịp vì ủy ban không thể thẩm tra dự án kỹ được trong thời gian chỉ 1 tháng.
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận: Đề xuất đưa Luật Cảnh vệ vào kỳ họp tới của Bộ Công an, trình hay không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định. Tuy nhiên, với Luật Biểu tình thì phải cho ý kiến trong nhiệm kỳ khóa XIII này. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cố gắng hoàn thiện, trình ra để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 11 tới.
Theo nld.com