Rời bỏ cơ nghiệp đồ sộ mà gia đình gây dựng, ông Lại Bùi Nguyên được mệnh danh là Vua cây Đài Loan, đã mơ về việc khôi phục một số rừng nguyên sinh huyền thoại của Đài Loan. Chúng đã từng bị tàn phá để nhường đường cho sự phát triển kinh tế, và lòng tham của con người.
Người dành hơn 2 thập kỷ trồng cây gây rừng này được người đời phong làm Vua Cây. Cũng có người ghép chữ Thái San (cách người Hoa gọi những người khỏe mạnh như nhân vật Tarzan trong phim Hollywood) và họ Lại của ông để sáng tác ra biệt danh Thái San cho ông.
Chỉ tay về phía mảnh đất rộng 130 héc-ta sườn núi tươi tốt trong khu vực Đại Tuyết Sơn ở miền trung Đài Loan, ông Lại chia sẻ: “Tôi hay cầu Trời hãy cho tôi được quay lại khu rừng này thêm một lần nữa trong đời. Khi đó chắc khu rừng trông tuyệt vời lắm”. Tâm nguyện lớn nhất của đời ông là trồng được 500.000 cây bản địa. Tính đến năm 2016, ông đã có một “đội quân” 300.000 cây.
Tên họ đầy đủ của người nông dân này là Lại Bùi Nguyên, từng là chủ tịch của Ta-ay Freight và tập đoàn Cloud Road International. Gia đình ông đã gây dựng thành công những khối tài sản ở ngành giao thông vận tải và bất động sản trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của Đài Loan. Khi chứng kiến vô số lần cảnh tượng mưa bão xối xả gây ra sạt lở và lũ lụt, ông Lại đã mơ về việc khôi phục một số rừng nguyên sinh huyền thoại của Đài Loan. Chúng đã bị tàn phá để nhường đường cho sự phát triển kinh tế, lòng tham. Thay vì những khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật đa dạng là những vườn tược nhân tạo sống nhờ thuốc trừ sâu.
Vào năm 1985, ông Lại rời bỏ cơ nghiệp mà gia đình xây dựng. Khi đó, ông mới 29 tuổi. Ông dành toàn bộ tài sản để mua những sườn đồi. Đó thường là vườn cây ăn trái, ông nhổ chúng lên để trồng các loài cây bản địa, như long não Đài Loan, hương tuyết tùng Đài Loan, thông đen… Ông nhận ra Đài Loan đang cần khái niệm “trồng cây và trở về với thiên nhiên”.
Ông nói: “Chứng kiến nhiều công ty ăn nên làm ra rồi lại lụn bại, tôi cảm thấy muốn làm điều gì đó có thể trường tồn qua nhiều đời nối tiếp. Tôi thấy rằng cho đi mà không mong nhận lại mới khiến mình cảm thấy hạnh phúc. Sau đó tôi cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng mách bảo tôi nên theo đuổi giá trị thực, theo đuổi việc làm có ích thay vì tạo ra nhuận. Việc làm có ích có thể vẫn sẽ còn mãi tác động của nó, nhưng tiền thì chỉ có thể theo ta đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà thôi”.
Ông thường thức dậy lúc 5 giờ sáng, cùng vài người tình nguyện lên đường để xới đất, đặt ống nước, trồng cây. Họ hay về nhà khi mặt trời xuống núi từ lâu. Lúc đầu, tất cả những người xung quanh ông đều không ủng hộ, nhưng họ tò mò không hiểu vì sao ông lại dại dột bỏ quê và gia đình để cô lập bản thân mình nơi hoang dã. Những người đầu tiên đặt câu hỏi về động cơ của ông chính là những người thân, tuy nhiên cuối cùng họ đã bị thuyết phục khi thấy ông kiên trì như vậy. Họ cũng theo ông đi trồng cây, nhổ cỏ trên các sườn đồi.
Các lô đất ông Lại mua ban đầu cằn cỗi và đầy rác. Nhờ sự cần cù chịu khó của nhóm ông Lại, “núi rác” đã bị biến đổi thành nơi xanh tươi và bây giờ được gọi là kho báu quốc gia. Việc trồng cây không chỉ cải thiện diện mạo khu núi mà còn cải thiện chất lượng không khí và cân bằng sinh thái của đất đai. Lượng mưa nhiều và môi trường sống phong phú hơn giúp tái tạo quần thể côn trùng và động vật hoang dã nơi đây. Bây giờ bạn có thể lên núi ngắm hoa anh đào, các con côn trùng quý hiếm, những động vật săn mồi thường chỉ có trong rừng nguyên sinh như heo rừng trong những khu rừng của ông.
Trong những năm qua, ông Lại khước từ tất cả các khoản trợ cấp trồng rừng của chính phủ. Thay vào đó, ông dồn hết tinh lực vào từng cái cây quý giá, chăm sóc chúng tỉ mẫn mà không động đến thuốc trừ sâu và hóa chất. Ông kể rằng các viên chức Cục Lâm nghiệp thường ghé chỗ ông để được tư vấn kỹ thuật trồng trọt khi họ nghe nói cây của ông có tỷ lệ sống đến 98%.
Đứa con trai Lại Kiến Quân của ông cũng đặt tình yêu vào mảnh đất này và chủ động trồng cà phê giữa những hàng long não do cha của anh trồng. Anh mở một quán cà phê “Coffee & Tree” ở Đài Trung. 95% lợi nhuận của quán được đóng góp để duy trì khu rừng.
Sau hơn hai thập kỷ, sự kiên trì của ông Lại ngày càng sâu sắc và trở thành một quan điểm tâm linh. Khu rừng đã mang cả gia đình xích lại gần nhau hơn. Ông nói, điều quan trọng hơn hết là ông đã làm được điều có lợi cho nhân dân Đài Loan.
>>> Biệt viện họ Lâm và phố cổ Thập Phần: Những di tích 10 phần đáng đến ở Đài Loan
>>> “Cao thủ” trồng đu đủ hữu cơ: Không cần diệt cỏ, chỉ cần ôm đàn và hát
Xuân Nhạn, theo visiontimes