Bộ ảnh tuyệt đẹp về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng
Tim Flach, một nhiếp ảnh gia người Anh đã dành 2 năm để ghi lại cuộc sống của những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bộ ảnh khiến người xem cảm thấy động lòng khi thấy những sinh vật tuyệt vời sắp biến mất khỏi Trái Đất.
Tim Flach là một nhiếp ảnh gia chuyên về nhiếp ảnh động vật. Và trong bộ ảnh mới của ông có tên gọi “Endangered” – Tim đã ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp về các loài động vật đang nằm trong sách Đỏ của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Quốc t (IUCN).
Khi nhìn vào đôi mắt của những con vật này, Flach cảm thấy thật đau lòng khi nghĩ đến một ngày chúng sẽ hoàn toàn bị tuyệt chủng, vì sinh mạng của chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Bộ ảnh đã lột tả chân thực những sự thật khắc nghiệt mà các loài động vật này đang phải đương đầu để sống sót. Có những loài động vật đang đứng trên nguy cơ tuyệt chủng vì sự biến đổi khí hậu, sự phá hủy môi trường sống, có những loài bị đe dọa bởi sự săn bắt, mua bán của con người.
Tê tê bụng trắng
Loài vật kỳ lạ này sinh sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới của vùng Xa-van châu Phi, kéo dài từ Senegal tới Kenya và đến cả phía Nam Zambia.
Tê tê bụng trắng ở trong tình trạng sẽ nguy cấp kể từ năm 2008 và rất nguy cấp kể từ năm 2014. Nếu không có các biện pháp bảo vệ đặc biệt, thì số lượng loài này có thể giảm từ 30-50% trong 10-20 năm tới.
Vượn cáo đuôi chuông
Các loài vượn cáo đuôi chuông có thể được tìm thấy chủ yếu ở các vùng đất khô cằn và trong rừng ở phía nam Madagascar.
Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã định rõ loài này đang ở tình trạng nguy cấp vì quần thể chúng đã giảm từ 2.000 – 2.400 con – mức giảm đáng kể tới 95% kể từ năm 2000. Nguyên nhân đến từ việc mất môi trường sống, nạn săn bắt và buôn bán động vật bất hợp pháp.
Sếu đỉnh đầu đỏ
Sếu đỉnh đầu đỏ, hay sếu Nhật Bản, là loài sếu lớn và hiếm thứ hai trên thế giới, được coi là biểu tượng của sự may mắn, trường thọ và tính trung thực.
Hiện nay, theo ước tính chỉ còn có khoảng 1500 con sếu Nhật Bản cư trú trong thiên nhiên hoang dã, đây là một trong những loài chim có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên thế giới.
Khỉ vòi (khỉ mũi dài)
Đây là loài đặc hữu của đảo Borneo ở Đông Nam Á và có thể tìm thấy ở cả 3 quốc gia Indonesia, Brunei và Malaysia. Chúng sống phổ biến nhất ở quanh các con sông của hòn đảo, khu vực ven biển, rừng ngập mặn và đầm lầy.
Loài này được xếp vào loài đang bị đe dọa. Số lượng chúng đã giảm 50% trong 36 – 40 năm qua. Nguyên nhân chính đến từ việc mất môi trường sống, ngoài ra cũng đến từ nạn săn bắt vô tội vạ bởi thịt loài khỉ này được sử dụng nhiều trong y học. Hiện nay, loài khỉ vòi chỉ có thể được tìm thấy ở các khu vực được bảo vệ và bảo tồn.
Khỉ mũi hếch vàng
Sống nhiều ở miền Nam và miền Trung Trung Quốc, khỉ mũi hếch vàng còn thích sống trên những vùng núi cao nên được gọi là “khỉ tuyết”.
Chúng rất quý hiếm và được xếp vào loài nguy cấp. Nguyên nhân chính là do mất môi trường sống. Ngoài ra, nhu yếu phẩm của loài khỉ này là địa y, có nhiều trên các cành cây khô nhưng lại bị con người thu gom nhiều.
Một phần nữa vì kén ăn, cộng thêm chất lượng môi trường sống và nguồn thức ăn của chúng bị giảm làm ảnh hưởng tới loài. Hiện, quần thể lớn nhất của loài khỉ này có thể tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Wanglang, Trung Quốc.
Gấu trúc đỏ
Gấu trúc đỏ được ghi danh trong Sách Đỏ IUCN và đang ở trong tình trạng nguy cấp bởi chúng chỉ còn lại chưa đến 2.500 cá thể. Quần thể gấu trúc đỏ ở phía Đông dãy Himalaya đã giảm 40% trong suốt 50 năm qua.
Mật độ cá thể gấu đỏ sinh sống ở mức rất thấp, và mối đe dọa chính là những kẻ thù trực tiếp của chúng trong tự nhiên như báo tuyết và chồn mactet. Ngoài ra, sự cạnh tranh với vật nuôi gia súc dẫn đến suy thoái môi trường sống, và nạn phá rừng làm mất đi sinh cảnh.
Một lý do khác là những con gấu trúc đỏ vẫn đang bị săn bắn và săn trộm trái phép ở Đông Nam Trung Quốc.
Cò mỏ giày
Giống cò mỏ giày này sống trong các đầm lầy nhiệt đới ở miền Trung và Đông Phi, nơi cá phổi cẩm thạch – nguồn thức ăn chính của chúng có thể được tìm thấy. Với cái mỏ hình chiếc giày biến chúng thành kẻ bắt cá đầy khéo léo.
Tuy nhiên, loài cò này rất nhạy cảm với sự có mặt của con người và sẵn sàng rời bỏ tổ của mình sau đó. Những con cò này ngày nay cực hiếm, và số lượng chỉ ở mức từ 5.000 – 8.000 con.
Chúng được xếp vào loài sẽ nguy cấp bởi các mối đe dọa chính là sự phá hủy môi trường sống, bị quấy rối và nạn săn bắn.
Linh miêu Iberia
Sống ở phía Tây Nam Tây Ban Nha, linh miêu Iberia đang trong tình trạng nguy cấp nhất thế giới. Vào năm 2002, chúng chỉ còn lại khoảng 100 cá thể. Với những nỗ lực bảo tồn, hiện nay số lượng tăng lên 404 con.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, đã từng có khoảng 100.000 cá thể linh miêu Iberia, tới thập niên 1960 là 3.000 con.
Linh miêu Iberia được xếp vào loài nguy cấp trong Danh sách Đỏ của IUCN. Lý do chính khiến quần thể chúng giảm đi là nạn săn bắt ngày càng diễn ra phức tạp.
Bướm vua
Loài bướm này có thể được tìm thấy ở Bắc Mỹ. Hàng năm, chúng di cư từ các tiểu bang miền Bắc, miền Trung và miền Nam Canada đến Florida và Mexico. Những con bướm này thường trải qua mùa đông ở đó vì khí hậu ít khắc nghiệt hơn, cho chúng nhiều cơ hội sống sót hơn.
Bướm vua được xếp vào loài nguy cấp. Lý do chính cho điều này là việc sử dụng thuốc diệt cỏ dẫn đến mất môi trường sống. Tuy nhiên, hiện loài bướm này đang được bảo vệ, và có khả năng quần thể của chúng sẽ được phục hồi.
Tê giác trắng Bắc Phi
Bị săn giết để lấy sừng, loài tê giác trắng phương Bắc hiện đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng khi cả thế giới chỉ còn lại bốn con, trong đó con đực duy nhất đang được bảo vệ 24/24 giờ.
Gấu Bắc cực
Gấu bắc cực sống ở các khu vực đóng băng trên biển Bắc Cực, và thuộc Danh sách Đỏ IUCN. Số lượng cá thế của chúng ghi nhận vào năm 2015 là từ 22.000 – 31.000.
Dự kiến trong 35 năm tới sẽ có sự suy giảm đáng kể ở quần thể loài gấu này. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm, phát triển dầu khí và sinh sản chậm làm cho gấu cực kỳ dễ bị tổn thương.
Voi châu Phi
Voi đồng cỏ châu Phi hoặc còn gọi là Voi bụi rậm châu Phi hoặc Voi xavan là loài lớn nhất còn sống của Bộ Có vòi và là loài động vật lớn nhất trên mặt đất ngày nay.
Đại bàng Philippines
Loài chim này chỉ có thể được tìm thấy ở các khu rừng ở Philippines. Đây là loài đại bàng lớn nhất trên thế giới về sải cánh của nó (dài 184 – 220 cm) và là quốc điểu của Philippines.
Đại bàng Philippines được xếp vào loài nguy cấp, và lý do chính là nạn chặt phá rừng. Và bạn có hay, việc giết chết loài đại bàng này có thể bị phạt tới 12 năm tù đấy!
Rùa lưỡi cày
Loài rùa này đang là mục tiêu săn đuổi và tìm kiếm của thị trường đen do mức độ quý hiếm và vẻ đẹp của chúng.
Chỉ tồn tại trong tự nhiên ở Madagascar, rùa lưỡi cày đã được đưa vào Phụ lục I CITES (nghiêm cấm khai thác, buôn bán vì mục đích thương mại).
Linh dương Saiga
Môi trường sống của linh dương saiga hiện tại chỉ còn ở khu Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Nga và Mông Cổ.
Vào năm 2002, IUCN đã bổ sung loài linh dương saiga vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng bởi số lượng cá thể sống của chúng suy giảm mạnh, chủ yếu là do nạn săn bắt trộm (để lấy sừng) và bệnh truyền nhiễm.
Một lý do khác đến từ biến đổi khí hậu. Mùa đông khắc nghiệt với những cơn gió mạnh và tuyết phủ dày che lấp cỏ khiến chúng khó tìm thấy thức ăn hơn.
Hồng Liên (t/h)