Đáp lại việc Tổng thống Mỹ Trump ký kết bản “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, chính quyền Bắc Kinh lập tức tuyên bố thực hiện 2 biện pháp đối phó. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt đó của Trung Quốc chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”.
Bắc Kinh trừng phạt Mỹ – Gậy ông đập lưng ông
Sau khi tổng thống Trump ký kết bản “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, ngày 02/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức tuyên bố thực hiện 2 biện pháp đối phó: Đình chỉ việc phê chuẩn cho phép tàu Mỹ dừng nghỉ ở Hồng Kông, cũng như thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với 5 tổ chức phi chính phủ là “Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ”, “Hiệp hội dân chủ quốc tế Hoa Kỳ”, “Viện Cộng hòa quốc tế Hoa Kỳ”, “Tổ chức theo dõi nhân quyền”, “Freedom House”.
Chính phủ Bắc Kinh coi các tổ chức này đã “cư xử tồi tệ” trong phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng không xây dựng nội dung cụ thể của các lệnh trừng phạt.
Bình luận viên chính trị Tang Phổ (Sang Pu) cho rằng hai biện pháp trừng phạt này chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”, vì lệnh cấm hoặc đình chỉ chính tàu chiến của hải quân Mỹ đến Hồng Kông, ngược lại sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ-Đài Loan.
“Quân đội Hoa Kỳ sẽ đến Đài Loan để cải tạo rất nhiều cơ sở vật chất tại Cao Hùng và Keelung, nói cách khác chính là đang thúc đẩy việc trao đổi quân sự giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, thậm chí là một mối quan hệ liên minh sẽ được siết chặt hơn. Quan trọng hơn là, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đài Loan. Mỗi lần quân đội Mỹ rời đi, sẽ tốn rất nhiều chi phí, đồng thời phải tiếp tế thậm chí là cải tạo, đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương”.
Đối với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tang Phổ chỉ trích cáo buộc vô căn cứ của Bắc Kinh: “Năm tổ chức phi chính phủ này bị chính phủ Trung Quốc đặt điều rằng họ hoạt động ngầm trong phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ, có tác động tiêu cực và các hành vi gây tổn hại. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc rằng họ cung cấp kinh phí, đào tạo, kích động một vài phong trào bạo lực cực đoan. Thậm chí còn nói rằng họ đã xúi giục để chia cắt đất nước và Hồng Kông… những cáo buộc này là hoàn toàn vô căn cứ, gắp lửa bỏ tay người, và chưa từng được kiểm chứng hay kiểm tra”.
Hơn thế nữa, các tổ chức phi chính phủ đều nằm ngoài Trung Quốc, “Xin hỏi làm thế nào để trừng phạt? Hoa Xuân Oánh không hề nhắc đến, ý kiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không được đề cập. Bạn muốn ‘lôi kéo người đến đầy cửa tiệm’, muốn trói bắt người ta, thì sẽ ‘nhổ sạch cả chùm’ tất cả người ở các tổ chức này sao?
Họ vốn dĩ không ở Trung Quốc, làm thế nào bạn nhổ tận gốc? Nếu bạn đi đến Hoa Kỳ, thực hiện các biện pháp trừng phạt, vụng trộm ‘động chân động tay’ với các tổ chức phi chính phủ này, bạn đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ, vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể ‘tóm’ được bạn. Vì vậy, tôi không biết làm thế nào chính phủ Trung Quốc thực hiện các lệnh trừng phạt”.
Ông thẳng thừng nói rằng cái gọi là các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh là vô tác dụng, thậm chí còn làm ‘nổi bật’ sự yếu kém của bản thân: “Tại sao vẫn tiếp tục ở đây đàm phán thương mại với những chính khách mà bạn cho rằng chỉ là một ‘đám cỏn con’ này? Tại sao không phá vỡ nó? Tại sao không đoạn tuyệt quan hệ Mỹ -Trung? Hay giữa Trung Quốc và Mỹ, tại sao Trung Quốc không tăng thuế, cấm vận, trừng phạt, tất cả các công ty Mỹ như Apple, Google? Tại sao bạn không làm điều đó? bởi vì bạn biết, ai là kẻ mạnh, ai là kẻ yếu”.
Tình hình hiện tại đang bước vào một cuộc chiến tài chính
Tang Phổ tin rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung chưa bước vào “tử tuyến”, tình hình hiện tại đang thay đổi từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh công nghệ, chiến tranh tài chính và thậm chí là ngoại giao nhân quyền. Ví dụ Huawei, đã đi từ cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ và dần dần chuyển sang giai đoạn thứ ba – chiến tranh tài chính.
“Hoa Kỳ có một danh sách gọi là danh sách SDN, nếu danh sách này được Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ thông qua, Huawei sẽ bị liệt vào trong danh sách vốn đã có 10 triệu doanh nghiệp và cá nhân này. Nếu thực sự bị đưa vào danh sách này, rất có khả năng ngay lập tức phá vỡ chuỗi tiền vốn của Huawei.
Mà chuỗi tiền vốn của Huawei bị phá vỡ sẽ khiến cho doanh nghiệp này từng giây từng phút phải đương đầu với rủi ro. Nếu tạo nên hiệu ứng ‘kiểu mẫu’, lấy một ví dụ rằng Huawei bị ‘chỉnh đốn’ đến nỗi khốn đốn, nếu cũng theo cách đó để điều chỉnh một số ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng giao thông Trung Quốc, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng công thương, thì những ngân hàng này sẽ lần lượt sụp đổ”.
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh gần đây háo hức để thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, trên thực tế, không phải là “đùm bọc vượt khó” mà là “tự chuốc lấy hại diệt thân”.
“Điều đó làm trầm trọng thêm tình hình với các quốc gia như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, liên minh tình báo Five Eyes, Nhật Bản, Đài Loan… các nước này có thể hợp nhất lại thành một chiến tuyến chống lại Trung Quốc. Trong khi Nga ‘bắt tay’ với Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể chỉ là chiến lược, nhưng vẫn tự xưng là một người bạn tốt. Trên thực tế, lợi ích của Nga và Trung Quốc (ĐCSTQ) là hoàn toàn khác nhau, nên không thể ‘ngồi chung thuyền'”.
Gia Hưng (Theo Secretchina)