Nền kinh tế Trung Quốc đang ngập chìm trong “đau thương.” Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng ngày càng tăng cao, còn các chính quyền địa phương đang ngập trong nợ nần. Các doanh nghiệp nhà nước “bóp nghẹt” những công ty tư nhân.
Đầu tư sai lầm của chính phủ vào những lĩnh vực khác nhau gây tổn thất lớn. Nếu trên đây chỉ là những “vết thương” trong ngắn hạn, thì những rủi ro nghiêm trọng dài hạn của Trung Quốc thậm chí còn nhiều hơn.
Cường quốc Châu Á này đang có dân số già đi, khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng, việc thiếu những cải cách kinh tế gây khó khăn cho việc cải thiện đời sống tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội và y tế đang lâm vào tình trạng thiếu đầu tư, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, thiếu nước sạch, tham nhũng tăng cao và thậm chí có gian lận trong ngành tư pháp.
Không ai biết rõ điều này hơn các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người đã ban hành một loạt các chính sách tạm thời để đối phó với hậu quả do tăng trưởng kinh tế quá nóng trước đây.
Trong những cuộc khủng hoảng trước kia, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thành công khi đưa đất nước phát triển an toàn. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để biết được xem liệu chính quyền Bắc Kinh hiện sẽ sẵn sàng “hy sinh” đến mức nào để sửa chữa những sai lầm do thế hệ lãnh đạo trước để lại.
Cải cách
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, những lãnh đạo mới của Trung Quốc đã thúc đẩy hàng loạt cuộc cải cách, trong đó từ việc cho phép các hộ gia đình sinh con thứ 2, mở rộng quyền sử dụng đất của nông dân, ngặn chặn tình trạng hối lộ, đến giảm sự kiểm soát của nhà nước đối với lãi suất. Đây là thời kỳ có sự thay đổi chính sách lớn nhất kể từ thập niên 90.
Liệu cần thời gian bao lâu để những cải cách này có hiệu quả còn là một câu hỏi. Tuy nhiên, Đại hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc vào tháng 3/2015 đã phải tập trung thảo luận về tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Những mục tiêu cải cách của Trung Quốc năm 2013 là không rõ ràng, qua đó tạo nên sự chậm trễ dẫn đến kết quả không được như kỳ vọng. Hiện những kế hoạch cải cách của Trung Quốc được thiết lập để hoàn thành vào năm 2020, trong đó có 2 mục tiêu chính. Đầu tiên là đảm bảo sự điều hành của chính phủ Trung Quốc. Sau đó là chuyển nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu cùng đầu tư cơ sở hạ tầng sang thúc đẩy khu vực tiêu dùng trong nước dưới sự điều tiết của thị trường kinh tế.
Nếu thành công, chính quyền Bắc Kinh có thể đưa Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới và làm người dân nước này giàu có hơn. Tuy nhiên, nếu thất bại, hậu quả sẽ là nghiêm trọng đối với cả Trung Quốc và thế giới. Rủi ro với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất cao nếu Trung Quốc không xử lý được tình trạng dư thừa năng suất, phục hồi thị trường bất động sản, tập trung vào chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là đạt mục tiêu theo kế hoạch.
Ít thành quả
Năm 2013, Trung Quốc đã hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực giữa 2 thế hệ lãnh đạo, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo được Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường thay thế. Những kỳ vọng của các nhà lãnh đạo mới hiện nay sẽ khiến công cuộc cải cách tại Trung Quốc tiếp tục được tiến hành.
Tháng 4/2015, tập đoàn bất động sản quốc doanh Kaisa tuyên bố phá sản, báo hiệu chính quyền Bắc Kinh có thể sẵn sàng cho phép sự tham gia điều tiết của thị trường. Tuy nhiên, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy thành quả tiến bộ trong việc kiểm soát tình hình tín dụng tại địa phương, tăng cường bảo vệ môi trường hay cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Theo nhiều chuyên gia, một phần nguyên nhân khiến chính phủ để Kaisa phá sản là do nền kinh tế vĩ mô không được khả quan như dự đoán. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2014 chỉ đạt 7,4%, mức thấp nhất kể từ thập kỷ 90. Trong quý I/2015, tăng trưởng GDP của quốc gia này chỉ đạt 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Những tranh cãi
Có rất nhiều yếu tố bất ổn trong hệ thống điều hành của chính phủ Trung Quốc, bao gồm quyền lợi của một số quan chức khi hệ thống cũ không được cải cách. Một số lãnh đạo muốn thực hiện cải cách trong các lĩnh vực như tỷ giá hối đoái hay tự do hóa lãi suất. Trong khi đó, những nhà hoạch định chính sách khác lại muốn tăng cường sự chi phối của nhà nước.
Những tập đoàn quốc doanh lớn hay những công ty có liên hệ với chính quyền chậm thực hiện cải cách bởi họ muốn tiếp tục duy trì lợi ích đã gây dựng trong những năm qua. Chính quyền địa phương không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của trung ương do có những động cơ riêng mà họ cho là tốt nhất cho khu vực mình.
Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để thúc đẩy nền kinh tế nội địa những vẫn phải ngăn chặn sự thoái vốn khi kinh tế tăng trưởng chậm. Hiện nay, mặc dù nhà nước đã kiểm soát hệ thống Internet nhưng vẫn có tiếng nói của hàng trăm triệu người kêu gọi xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, tham nhũng, bất công và bất bình đẳng xã hội.
Theo NDH