Các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Trung Quốc tháng trước đã không đem theo vũ khí và bị một lực lượng lính Trung Quốc có quy mô lớn hơn bao vây trên một sườn dốc, theo nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ, 2 binh sĩ trong khu vực và gia đình nạn nhân.
Reuters đã trao đổi với người thân của 13 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ ngày 15/6 phía tây dãy Himalaya. Thân nhân của 5 người đã cung cấp giấy chứng tử cho thấy những thương tích trầm trọng mà những binh sĩ này phải chịu trong suốt cuộc chiến kéo dài 6h ở độ cao hơn 4.000m, trên những ngọn núi xa xôi.
Ba trong số các binh sĩ Ấn Độ tử vong vì vỡ động mạch cổ và 2 vết thương trên đầu do các vật nhọn đâm vào, theo giấy chứng tử.
Một trong những binh sĩ bị rạch cổ họng bằng đinh, cha của nạn nhân cho biết dựa theo lời kể của một binh sĩ có mặt tại hiện trường.
Những người khác thiệt mạng khi ngã xuống dòng nước băng giá của sông Galwan, người thân nạn nhân nghe kể lại từ các nhân chứng.
Tổng cộng 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc. Không có phát đạn nào được bắn ra, nhưng đây là mất mát lớn nhất trong cuộc chiến giữa 2 nước từ năm 1967.
Trao đổi với Reuters, các quan chức Ấn Độ cho biết cuộc xung đột xảy ra khi sĩ quan chỉ huy của trung đoàn Bihar dẫn một toán quân nhỏ đến Mốc tuần tra 14 để xác minh liệu quân Trung Quốc có thực hiện lời hứa rút khỏi khu vực tranh chấp và dỡ bỏ các căn lều mà họ dựng lên ở đó hay chưa.
Nhưng thay vào đó, họ đã bị lính Trung Quốc tấn công bằng những thanh sắt và gậy gỗ gắn đinh, trên một gờ đất hẹp chỉ rộng 4m nhìn ra sông Galwan.
Reuters cũng đã trao đổi với người họ hàng của một trong những binh lính đi cùng chỉ huy Santosh Babu đến địa điểm 2 căn lều do quân đội Trung Quốc dựng lên. Người này cho biết các binh sĩ tuần tra của Ấn Độ không hề có vũ trang.
Họ đã giáp mặt với một nhóm lính Trung Quốc và một cuộc cãi vã xảy ra. Ngay sau đó, phía Ấn Độ bị một nhóm lớn binh sĩ Trung Quốc tấn công bằng đá và vũ khí sắc nhọn, gia đình của 3 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng cho biết dựa trên lời kể của những người lính sống sót.
Một số binh sĩ đã rút lui về an toàn trong đêm, nhưng khi không tìm thấy sĩ quan chỉ huy, họ đã quay trở lại và bị tấn công một lần nữa.
Chính phủ Ấn Độ nói rằng Quân đội Trung Quốc đã có chủ đích tấn công từ trước.
Trước đó, trang US News dẫn lời một nguồn thạo tin của tình báo Mỹ cho hay, Tướng Triệu Tông Kỳ, tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc đã duyệt kế hoạch hành động của binh sĩ dọc khu vực biên giới tranh chấp.
Nguồn tin cho biết trước đó, tướng Triệu đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc không được tỏ ra yếu đuối để tránh sự chèn ép của Mỹ và các đồng minh, gồm cả Ấn Độ. Theo đó, ông xem cuộc đụng độ hồi tuần trước là cách để “dạy cho Ấn Độ một bài học”.
Trả lời câu hỏi của Reuters, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặp lại tuyên bố trước đây, phủ nhận toàn bộ trách nhiệm, đồng thời đổ lỗi cho phía Ấn Độ đã vượt qua biên giới và khiêu khích Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho việc này.
Thùy Linh (Theo Reuters)