Biết cúi đầu mới là người thông minh
Trong cuộc sống, phàm là những người thông minh, tài đức thì đều biết cúi đầu, hạ mình để giữ tròn đạo nghĩa, giúp bản thân có thể nhìn nhận vấn đề sâu rộng hơn.
Cúi đầu trước bậc sinh thành giữ tròn đạo nghĩa
Trong cuốn “Sơ khắc phách án kinh kỳ” có câu chuyện kể rằng. Thời nhà Tống có một nam thanh niên tên Lưu Đạt Sinh là nhân sĩ phủ Khai Phong thuộc Hà Nam. Cha mất sớm, anh và mẹ là Ngô Thị sống nương tựa vào nhau.
Một ngày nọ, hai mẹ con đến một ngôi đền gần nhà để cầu phúc. Cũng từ hôm đó, Ngô Thị nảy sinh tình cảm thân thiết với vị đạo sĩ.
Lưu Đạt Sinh cho rằng, mẹ làm như vậy là không giữ lễ tiết, nên ra sức khuyên can mẹ hãy cắt đứt mối quan hệ với vị đạo sĩ nọ. Tuy nhiên mẹ anh lại cho rằng con mình đang cản trở chuyện tình cảm cá nhân của bà. Hai mẹ con vì thế mà lời qua tiếng lại, cãi nhau to đến mức phải đến công đường nhờ hòa giải.
Trên công đường, quan phủ hỏi Lưu Đạt Sinh, vì sao lại để cho mẹ mình tức giận đến thế. Lưu Đạt Sinh một mực nhận lỗi về mình, nói do bản thân phạm sai lầm, cam chịu nhận hết hình phạt.
Quan phủ cho rằng Ngô Thị cũng sai nên phạt đánh 20 gậy. Thấy vậy Lưu Đạt Sinh vội nằm lên chịu đòn cho mẹ.
Thấy Lưu Đạt Sinh là người có hiếu, một mực cúi đầu trước mẹ mình nên quan phủ đã tiến cử anh làm việc cho triều đình. Sau đó sự nghiệp của Lưu Đạt Sinh ngày càng thăng tiến, gia đình cũng ngày càng phát đạt.
Cúi đầu trước bậc nhân nghĩa là người thông minh
Vào những năm đầu của triều đại nhà Hán, Lục Cổ được Lưu Bang phong làm sứ giả, cử đến Nam Việt để đàm phán với Triệu Tha. Lúc đó lợi dụng tình hình hỗn loạn, Triệu Tha đem quân chiếm 3 quận, tự mình phong vương.
Lục Cổ đem theo phong ấn của Lưu Bang tới Nam Việt, thấy Triệu Tha ngồi trên ngôi cao có vẻ mặt coi thường.
Lục Cổ nói: “Lưu Bang bình định thiên hạ trong vòng 5 năm, đây là thuận theo ý trời chứ không phải dùng sức người để dành lấy. Lưu Bang có lòng thương cảm, sợ xảy ra chiến tranh, dân chúng lầm than nên mới sai sứ giả mang phong ấn đến với chủ trương hòa hiếu.”
Triệu Tha nghe vậy thì bừng tỉnh, cúi đầu nhận lấy phong ấn.
Người xưa nói bậc làm vương không phải là người lợi hại nhất mà phải là người có năng lực quy tụ lòng người, đó là biểu hiện của nhân nghĩa.
Vì vậy, người thông minh sẽ biết cúi đầu trước những người nhân nghĩa và đứng về phía chính nghĩa. Một người dù thông minh đến đâu mà không có lòng nhân nghĩa thì nhất định sẽ thất bại.
Người biết “cúi đầu” mới có thể “ngẩng đầu”
Có một câu chuyện ngụ ngôn phương Tây kể rằng, một hôm có người hỏi vị hiền giả Hy Lạp về khoảng cách giữa Trời và Đất. Vị hiền giả liền trả lời: “Ba pous” (1 pous = 0,3m).
Người này tỏ vẻ nghi hoặc vì người trưởng thành đã cao 5, 6 pous, nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 pous, thì không lẽ chúng ta đã đâm thủng bầu trời?
Vị hiền giả điềm đạm trả lời thắc mắc: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu”.
“Cúi đầu” là cách sống của người biết nhìn xa trông rộng. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cần phải học được cách “cúi đầu” thì mới có thể sống tốt được.
Yên Yên (t/h)