Nhiều người dân ở vùng vịnh Ashleam (Ireland) đã kinh ngạc khi phát hiện bãi biển bị cuốn trôi tất cả cát vì một cơn bão từ 12 năm trước đột nhiên tái xuất chỉ sau 1 đêm.
Tất cả cát trên bãi biển của vịnh Ashleam, trên đảo Achill thuộc Ireland, đã bị cuốn trôi hoàn toàn sau một cơn bão vào năm 2005, để lại bề mặt chỉ toàn đá tảng và bờ đá.
Nhiều người dân địa phương đã kinh ngạc khi thấy bãi cát tái xuất sau một mùa Hè nhiều bão ở Ireland, cụ thể là sau khi cơn bão Brian đổ bộ vào hồi tháng 10.
Independent ngày 21/11 dẫn lời Sean Molloy – Giám đốc công ty du lịch đảo Achill, nói rằng những cơn bão trước đã “dọn sạch” bãi biển trước khi bão Brian mang cát trở lại.
“Có một giai thoại địa phương từ hàng trăm năm trước rằng bãi biển sẽ trở lại mỗi 7 năm, sau đó lại biến mất“, ông nói.
“Lần cuối cùng nó được nhìn thấy là vào năm 2005, nó ở đó vài tháng trước khi bị cuốn trôi“, theo Molloy.
Malcolm Cooney, một người địa phương đã sống cả đời tại đảo Achill, nói rằng vịnh này “luôn luôn khác biệt”.
“Lần cuối cùng bãi biển này có cát, cát chỉ ở đó trong một năm“, ông nói. “Ở lần trước nữa, nó đã tồn tại trong nhiều năm“.
Cách bãi biển vịnh Ashleam 10 km và nằm trên cùng một hòn đảo, bãi biển Dooagh cũng vừa trở lại hồi tháng 5 sau 33 năm biến mất. Sự biến mất của bãi biển từng khiến hàng loạt cơ sở kinh doanh địa phương phải đóng cửa.
Theo Tiến sĩ Ivan Haigh, phó giáo sư hải dương học ở Đại học Southampton, cát dọc bờ biển luôn trong tình trạng thường xuyên thay đổi, bị dịch chuyển bởi bão, sóng và gió. Nó cũng chịu ảnh hưởng của nguồn cung cấp trầm tích từ những bãi bồi nhiều khi ở cách xa 100km. Sức mạnh của bão và sóng biển cũng như môi trường thay đổi cung cấp điều kiện lý tưởng để tích tụ cát.
Tiến sĩ Kevin Lynch, một nhà địa lý học của Đại học Quốc gia Ireland Galway, cũng nói với Irish Times rằng việc bãi biển quay trở lại không liên quan gì đến biến đổi khí hậu.
“Trong trường hợp của bãi Dooagh, hướng gió đã làm thay đổi hướng dòng chảy của vịnh và có thể đã mang những bãi cát xa bờ trở lại“, ông giải thích.
Nhà địa lý học này cho biết thêm, “điều tương tự có thể xảy ra với Ashleam, ngoài ra việc xói mòn ở một phần của bờ biển có thể cung cấp nguồn bồi đắp mới (cho một vùng khác)“.
Tú Văn (t/h)