Mới đây, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin nước này có thể ‘tịch thu sân bay quốc tế duy nhất của Uganda’ nếu quốc gia Đông Phi này không thể trả nợ.
Theo Reuters, khoản nợ mà Uganda đang gánh của Trung Quốc trị giá 200 triệu USD nhằm phục vụ mục đích mở rộng cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay quốc tế nói trên.
Vào tháng trước, một cuộc điều tra của Quốc hội Uganda chỉ ra rằng Trung Quốc đã áp đặt các điều kiện khó khăn đối với khoản vay này, bao gồm cả khả năng ‘tịch thu sân bay quốc tế duy nhất của Uganda’.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc ở Uganda vào tối ngày 28/11 đã khẳng định rằng ‘cáo buộc Uganda gán tài sản cho Trung Quốc để trả nợ là không có cơ sở thực tế’. Đến nay, Bắc Kinh chưa từng tịch thu dự án nào ở châu Phi với lý do không thể trả các khoản vay của Trung Quốc.
Dù vậy, theo báo cáo mới nhất của các phương tiện truyền thông, một phái đoàn gồm các quan chức Uganda đã đến thăm Trung Quốc vào đầu năm nay với nỗ lực đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận cho vay nhưng chuyến thăm đã không thành công do các nhà chức trách Trung Quốc từ chối cho phép bất kỳ thay đổi nào trong các điều khoản ban đầu của thỏa thuận.
Được biết, khoản nợ của Uganda được ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc cho vay vào năm 2015, nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả đường sá và nhà máy điện.
Đến nay, thỏa thuận cho vay này vẫn chưa được công khai nhưng theo xác nhận của nghị sĩ Joel Ssenyonyi – Chủ tịch uỷ ban thực hiện cuộc điều tra của Quốc hội Uganda thì các điều khoản cho vay cho phép Trung Quốc ‘lấy’ sân bay trong trường hợp được thỏa thuận.
Theo nghị sĩ Joel, thỏa thuận này cũng yêu cầu bất kỳ phán quyết hoặc thủ tục tố tụng tòa án nào cũng phải diễn ra tại Trung Quốc, theo luật pháp nước này. Do đó, đây thực chất là ‘hợp đồng một chiều’ khi mà Trung Quốc từ chối thỏa thuận lại các điều khoản với Uganda.
Trước đó, các nước phương Tây cũng cáo buộc Trung Quốc đưa những nước nghèo vào ‘bẫy nợ’ để sau đó, họ phải ‘gán tài sản chiến lược như sân bay và cảng biển để trừ nợ cho Bắc Kinh’.
Vào năm 2017, Chính phủ Sri Lanka đã phải chính thức bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm sau một thời gian chật vật vì nợ tiền doanh nghiệp Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền Sri Lanka trấn an rằng Trung Quốc chỉ khai thác hoạt động thương mại tại cảng Hambantota nhưng vẫn có những lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng cảng biển cho mục đích quân sự.
Theo Reuters