Theo cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã, ông Cường Vệ Bí thư Đảng ủy của tỉnh Giang Tây, một tỉnh nằm về phía đông nam của Trung Quốc, đã bị thay thế bởi Tỉnh trưởng Lộc Tâm Xã, vì lý do… tuổi tác.
Một Bí thư tỉnh ủy của chính quyền Trung Quốc, có mối liên kết với phe cánh chính trị mà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang loại bỏ, vừa mới đây đã bị sa thải trong những tình huống rất bất thường.
Ông Cường 63 tuổi, vẫn có thể làm việc 2 năm nữa trước khi đến tuổi bắt buộc về hưu.
Việc Cường Vệ bị thay thế một cách bất ngờ chính là một thực tế không thể tránh khỏi khi mà chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Trung Quốc, dựa theo lời phát biều của Heng He, một nhà phân tích chính trị đã nói với đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) có trụ sở tại New York:
“Xét từ góc độ chống tham nhũng, các yếu tố thuộc những phe cánh bí ẩn và những đối tượng tham nhũng có quyền lực quá lớn thì chắc chắn sẽ là những mục tiêu chính yếu”, Heng He đã trả lời đài truyền hình Tân Đường Nhân trong một cuộc phỏng vấn.
Trước đó, phương tiện truyền thông tiếng Trung Quốc ở hải ngoại đã đăng những tin tức liên quan đến tình trạng tham nhũng của riêng cá nhân cũng như các mối quan hệ chính trị của Cường Vệ.
Vào tháng 3/2015, tạp chí Bowen Press đưa tin rằng em gái Cường đã được hưởng rất nhiều quyền lợi từ sự phát triển bất động sản tại Bắc Kinh với sự giúp sức của Lệnh Kế Hoạch – cựu Chánh văn phòng Trung ương ĐCSTQ.
Khi còn là Bí thư Đảng ủy của tỉnh Thanh Hải giai đoạn 2007 – 2013, ông Cường bị cáo buộc vì đã giúp Chu Bân – con trai của cựu chiến lược gia an ninh Chu Vĩnh Khang đã bị thất sủng, kiếm được những hợp đồng kinh doanh béo bở cùng với những dự án có quy mô rất lớn, theo tạp chí Người Trong Cuộc (Insider Magazine), một ấn phẩm của báo Minh Kính (Mingjing News).
Tạp chí Người Trong Cuộc cũng đưa tin rằng Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch đã hứa sẽ đề bạt ông Cường lên vị trí Giám đốc Công an ngay sau cuộc đảo chính, nhưng đã bất thành, của họ chống lại Tập Cận Bình diễn ra trong năm 2012.
Năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã nói bóng gió về cuộc đảo chính trong một bài phát biểu có nội dung tố cáo Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và 3 quan chức khác đã bị thanh trừng vì “tiến hành những âm mưu chính trị nhằm phá hỏng và gây chia rẽ nội bộ Đảng”.
Các “số liệu đầy tham vọng cũng như những âm mưu này” thuộc về mạng lưới chính trị tầm ảnh hưởng rộng thiết lập bởi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Nhà phân tích chính trị Heng He cho rằng, đường công danh sự nghiệp của Cường Vệ thăng tiến rồi sau đó đột ngột sụp đổ là do ông đã làm theo mệnh lệnh của Giang Trạch Dân khi ra tay bức hại các học viên Pháp Luân Công – một môn tu luyện tâm linh được biết đến là nạn nhân của cuộc đàn áp tàn bạo khởi phát từ ngày 20/7/1999.
Cường Vệ là người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Lập pháp tại Bắc Kinh – một cơ quan tuy không lớn nhưng lại đầy quyền hành của ĐCSTQ. Cường đã làm việc tại đây từ năm 1996 cho đến khi ông ta được chuyển đến tỉnh Thanh Hải vào năm 2007. Đến năm 2013, Cường đã trở thành Bí thư Đảng ủy của tỉnh Giang Tây.
Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức nhân quyền quốc tế phi lợi nhuận, phát hiện ra rằng ông Cường đã thực thi và giám sát cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, Thanh Hải và Giang Tây. Khoảng 246 học viên và hơn 9.350 vụ bắt giữ tại Bắc Kinh đã diễn ra dưới sự quản lý của ông Cường khi đóng vai trò là người đứng đầu cơ quan an ninh và lập pháp lý tại thủ đô của Trung Quốc.
WOIPFG xác nhận rằng bản thân ông Cường phải chịu trách nhiệm về việc đã bức hại anh Vương Chí Văn (Wang Zhiwen), một cựu kỹ sư của Tập đoàn Vật tư Đường sắt Trung Quốc (China Railway Materials Commercial Corporation). Ngay khi cuộc đàn áp vừa mới diễn ra, anh Vương đã bị bắt và chỉ được ra tù vào tháng 10/2014. Một lần nọ, những cai ngục đã đánh gãy xương đòn của anh trong một vụ hành hung rất nghiêm trọng. Những người đó đã đóng xiên tre vào các móng tay, trước khi họ dẫm đạp trên đầu các ngón tay của anh.
Trong một chuyến thăm chính thức khi Cường Vệ đến Đài Loan vào năm 2014, các học viên Pháp Luân Công ở Đài Loan đã đứng xếp hàng dọc theo các tuyến đường mà đoàn xe của ông Cường chạy ngang qua, và họ giơ những biểu ngữ nhằm lên án những cuộc bức hại của ông Cường. Các học viên Pháp Luân Công tại Đài Loan cũng đã nộp đơn gửi lên Tòa án Tối cao Đài Loan để kiện hình sự ông Cường vì tội diệt chủng.
Theo Vietdaikynguyen