Những cộng đồng có nhiều người sống thọ nhất thế giới dường như đều có chung bí quyết. Các nghiên cứu cho thấy bí quyết này tuy đơn giản nhưng rất có lợi cho sức khỏe và giúp kéo dài tuổi thọ.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ Dan Buettner đã dành 12 năm để đến thăm những cộng đồng có nhiều người sống thọ nhất thế giới (trên 100 tuổi), bao gồm đảo Okinawa (Nhật Bản), khu vực Barbagia (Sardinia, Ý) và Loma Linda (California, Hoa Kỳ). Trong số này, ông thấy rằng Okinawa xứng đáng là đảo “trường thọ” vì có tỷ lệ người dân trên 100 tuổi sống khỏe mạnh cao nhất thế giới.
Buettner gọi những khu vực này là “Vùng Xanh”. Ông cùng với nhóm nghiên cứu của mình muốn tìm ra điểm chung của những cư dân tại đây, “điều gì đã giúp họ có một cuộc sống trường thọ, hạnh phúc và khỏe mạnh?”
Một vài điểm có thể dễ dàng nhìn thấy ở cộng đồng những người sống thọ là chế độ ăn nhiều rau xanh, sống hòa đồng và tập thể dục ở mức độ vừa phải. Nhưng một điểm chung đáng ngạc nhiên khác đó là người dân ở những nơi này đều thích làm vườn ngay cả khi đã nhiều tuổi.
1. Làm vườn: Cách đơn giản để hòa mình vào thiên nhiên
Không có một loại thuốc bách bệnh nào khi tuổi già ập đến, tuy nhiên các bác sĩ khẳng định, làm vườn có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống, nhất là khi chúng ta có tuổi.
Những người cao tuổi ở Okinawa thích hòa mình vào thiên nhiên để cơ thể luôn tràn đầy năng lượng. Họ làm vườn, tập dưỡng sinh, đi xe đạp, chơi thể thao ngoài trời…
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không khí trong lành và cỏ cây mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Các bác sĩ tại Scotland (Anh) thường khuyến khích các bệnh nhân huyết áp cao và rối loạn lo âu nên đi dạo, ngắm nhìn chim muông, hoa lá, hít thở không khí trong lành.
Năm 1984, nhà nghiên cứu môi trường Roger Ulrich đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ túi mật sẽ hồi phục nhanh hơn và phải dùng ít thuốc giảm đau hơn nếu phòng bệnh của họ có cửa sổ hướng ra ngoài thiên nhiên.
Roger khẳng định: “Thiên nhiên có khả năng phục hồi sức khỏe. Cơ thể chúng ta là một cỗ máy sinh học luôn sẵn sàng đáp ứng với các điều kiện của tự nhiên, nơi mà chúng ta đã tiến hóa. Con người có xu hướng phản ứng tích cực với những điều kiện tự nhiên có lợi đối với mình”.
2. Làm vườn là bài tập thể dục tuyệt vời
Làm vườn có mất sức giống như chúng ta chơi 3 môn thể thao phối hợp hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là không nhưng làm vườn vẫn được coi là một dạng tập luyện cho cơ thể. Các kiểu làm vườn khác nhau đòi hỏi mức độ hoạt động thể chất khác nhau.
Các bác sĩ vẫn khuyến khích mọi người hoạt động nhẹ nhàng với việc làm vườn hơn bởi nó dễ dệt thành thói quen, không tốn kém mà còn mang nhiều lợi ích không ngờ tới cho cả tinh thần và thể chất.
Ông Richard Thompson, một nhà nghiên cứu tại Đại học Y Hoàng gia London, cho biết: “Làm vườn không chỉ giúp tăng cường sự khéo léo, sức dẻo dai của cơ thể mà còn như một bài tập aerobic đốt cháy calo trong phòng gym”.
Việc cuốc đất có thể là công việc mất sức nhất mà bạn đã từng làm nhưng việc cắt tỉa một bụi hồng hay gieo hạt giống lại là một bài tập thể dục rất nhẹ nhàng.
3. Cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng
Trên đảo Okinawa, các cụ đã 90-100 tuổi nhưng vẫn có thể tự lái xe máy hoặc đạp xe đi chơi. Họ có thể sống khỏe mạnh như vậy là nhờ thực đơn dinh dưỡng lành mạnh và phong phú.
Người dân sống ở “Vùng Xanh” thường ăn chính những loại rau, củ, quả mà mình trồng được. Mỗi ngày họ đều ăn rất nhiều rau và các thức ăn có chứa vitamin, khoáng chất giúp kích thích hoạt động chống oxy hóa trong cơ thể. Thậm chí những người cao tuổi còn ăn nhiều rau hơn gấp 3–4 lần so với thế hệ trẻ.
Ngoài ra, người dân Okinawa đánh giá cao khái niệm về “yuimaru”- sự kết nối xã hội cao. Họ thường tụ tập tại một ngôi chợ địa phương, mang sản phẩm tự làm ra và chia sẻ những cung cách trồng trọt mới nhất lẫn nhau. Đây chính là một hoạt động quan trọng và điều đó chắc chắn giúp mọi người cảm thấy có lý do để gặp gỡ.
4. Làm vườn giúp giải tỏa căng thẳng
Theo Mayo Clinic, căng thẳng thường xuyên sẽ khiến bạn dễ rơi vào lo lắng, trầm cảm và nguyên nhân dẫn đến những bệnh tim và tiểu đường. Đó là lý do tại sao việc tìm ra những cách để đối phó, chăm sóc sức khỏe tinh thần là rất quan trọng, đặc biệt là với người dân sống ở những thành phố lớn.
Vì thế sau một ngày làm việc, thay vì tiếp tục ngồi trước máy tính, lướt xem thông tin trên điện thoại,.. hãy chuẩn bị cho mình một khoảnh đất nhỏ, gieo một số hạt giống, tưới một chút nước, cắt một bó hoa hoặc làm cỏ… những việc làm này sẽ khiến ta cảm thấy thời gian trôi đi nhanh hơn và những bận tâm về cuộc sống thường nhật cũng tiêu tan đi.
Các nhà khoa học đã chứng minh, làm việc trong vườn sẽ giúp cơ thể giảm nồng độ cortisol (một chất hóa học mà cơ thể sản sinh ra để phản ứng với căng thẳng) thậm chí còn hơn cả đọc sách.
Nhiều bệnh viện tại phương tây đã đưa môn làm vườn như một hoạt động thường nhật để giúp bệnh nhân nhanh lành bệnh hơn, cũng như giúp đội ngũ y, bác sĩ có không gian để giảm căng thẳng trong công việc.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Hà Lan với 30 người được giao làm một công việc áp lực và sau đó, họ có 30 phút để đọc sách hoặc làm vườn. Qua báo cáo của từng người và kiểm tra lượng cortisol trong cơ thể họ, các nhà khoa học phát hiện những người làm vườn có thể giảm áp lực nhanh hơn.
Thiện Thành (t/h)