BirdAbroad, trang blog của một người Mỹ đang sống tại Trung Quốc là nơi đầu tiên phản ánh về những cửa hàng giả mạo này vài ngày về trước, mô tả chi tiết từng cửa hàng và cho biết không hề có sự khác biệt nào so với những cửa hàng thực sự của Apple.
Ngay sau đó, “giới truyền thông” trên toàn thế giới vào cuộc, câu chuyện lập tức được lan truyền 1 cách nhanh chóng, gây nên sự chú ý của Apple và khiến cho nhà chức trách tại Côn Minh phải tiến hành một cuộc điều tra.
Luật pháp Trung Quốc công nhận bảo hộ nhãn hiệu và cấm sao chép, kể cả việc “nhìn và cảm nhận” của các cửa hàng cac công ty khác. Hiện chỉ có 2 trong số 5 cửa hàng giả mạo bị đóng cửa, tuy nhiên, lý do đưa ra để đóng cửa các cửa hàng này, không phải vì sao chép thiết kế kiểu dáng của Apple Store, mà đơn giản vì không có giấy phép kinh doanh chính thức.
Thậm chí các nhân viên của cửa hàng cũng có trang phục giống với các nhân viên tại Apple Store thực thụ
“Truyền thông không nên hiểu sai lệch về tình hình và đưa ra những kết luận sai lầm. Một số hãng truyền thông nước ngoài cho rằng những cửa hàng này bán sản phẩm giả của Apple, nhưng sự thực không phải như vậy” – Chang Puyun, phát ngôn viên của nhà chức trách tại Côn Minh cho biết – “Trung Quốc có những bước đi tuyệt vời để thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các cửa hàng này không bán sản phẩm giả mạo.”
Hiện Apple chỉ có 4 cửa hàng chính thức tại Trung Quốc, 2 trong số đó tại Bắc Kinh, còn lại tại Thượng Hải, nhưng không có cửa hàng nào tại Côn Minh. Điều đáng nói là cửa hàng giả này chỉ cách các cửa hàng Apple Store thật gần nhất tại Bắc Kinh và Thượng Hải hơn 1000 dặm.
Khách hàng tức giận trước các cửa hàng giả mạo
Trong khi đó, sau khi hàng loạt bức ảnh cùng bài viết vạch trần nó đăng tải trên nhiều trang web, một số khách hàng từng mua sản phẩm tại một cửa hàng Apple Store giả ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc đã kéo đến mắng nhân viên cửa hàng này và yêu cầu hoàn lại tiền.
“Khi biết được tin này, tôi đã vội vàng tới đây ngay lập tức để đòi lại hoá đơn” – một khách hàng tên Wang nói gần như khóc – “Với một cửa hàng lớn như thế này, khó ai có thể nghĩ rằng nó là giả mạo”
Hồi tháng trước, Wang, 23 tuổi, nhân viên văn phòng, đã bỏ ra 14.000 NDT (khoảng 2.170 USD) để mua một chiếc Macbook Pro 13 inch và iPhone 3G ở cửa hàng này. Tuy nhiên, lúc đó, cô không nhận được hoá đơn và nhân viên dặn cô quay lại sau.
Nhân viên ở đây cũng tỏ ra giận dữ trước sự chú ý không mong muốn sau khi hơn 1000 tờ báo, trang web, đài truyền hình trên khắp thế giới đăng tải câu chuyện và những bức ảnh của cửa hàng này từ blog BirdAbroad.
“Giới truyền thông đang dựng chúng tôi lên là một cửa hàng giả mạo nhưng chúng tôi không bán hàng giả, tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều là hàng thật, tự các bạn có thể kiểm tra điều đó” – một nhân viên đề nghị giấu tên nói – “Không có luật Trung Quốc nào nói rằng tôi không thể trang trí cửa hàng của tôi theo cách tôi muốn”.
Một nhân viên khác tên Yang cho hay công việc kinh doanh của cửa hàng đã bị ảnh hưởng vì khách hàng yêu cầu họ chứng minh độ xác thực của sản phẩm.
Cửa hàng này có tên gọi Apple Stoer, thay vì Apple Store
Tuy nhiên, không phải tất cả khách hàng đều cảm thấy tức giận trước việc cửa hàng này bị bóc mẽ là “hàng giả”.
“Miễn là các sản phẩm của họ đều là hàng thật thì không sao. Sau tất cả việc này, bạn bước vào một cửa hàng, bạn sẽ không để ý đến bất cứ điều gì khác ngoại trừ các sản phẩm của họ”, Hu Junkai, 18 tuổi nói “Nếu các sản phẩm bạn mua là hàng thật thì tại sao bạn lại quan tâm liệu cửa hàng đó chỉ là một bản sao”.
Về phía Apple, công ty từ chối đưa ra lời bình luận về cửa hàng giả mạo này nhưng khẳng định họ chỉ có bốn cửa hàng Apple Store chính hãng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và không có cửa hàng nào ở Côn Minh.
Ngân Hà -Võ Hiền
Theo Reuters