(PLO) – Dinh III hay còn gọi là Biệt điện Bảo Đại nằm trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm TP.Đà Lạt chừng 2,5km về phía Nam, trên một quả đồi “long chầu, hổ phục”. Ít ai biết rằng nơi đây ẩn chứa bao điều bí mật về vị vua cuối cùng của đất nước An Nam và triều Nguyễn sau hàng chục năm trời mới được phát hiện…
Nơi vui hưởng lạc thú của thiên tửNăm 1933, Biệt điện Bảo Đại chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1937 với vẻ đẹp kiến trúc hiện đại pha lẫn cổ điển, uy nghi và tráng lệ. Trong Biệt điện có vườn Thượng uyển, có hầm rượu và được thiết kế 2 tầng: Tầng trệt là nơi làm việc của Vua Bảo Đại, phòng hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và các quan chức Chính phủ. Tầng trên là phòng ngủ, phòng vui chơi của Nhà Vua, Hoàng hậu Nam Phương, các Hoàng tử Bảo Long, Bảo Thắng và các Công chúa Phương Mai, Phương Dung, Phương Liên…
Sau khi Biệt điện khánh thành, Hoàng đế Bảo Đại gần như chuyển “hộ khẩu thường trú” từ Huế vào Đà Lạt. Thi thoảng, có lễ nghi trọng đại lắm Nhà Vua mới rời Biệt điện về Kinh đô Huế vài hôm cho có mặt, rồi lại gấp rút “bay” vào thành phố Hoa.
Trên thành phố mộng mơ, rượu ngon, gái đẹp dường như đã làm cho Bảo Đại quên hết chuyện “sơn hà xã tắc” và cũng chẳng tha thiết gì đến “bầu đoàn thê tử”. Mặc dù trong Biệt điện có phòng riêng cho Hoàng hậu và các Hoàng tử, Công chúa khá lộng lẫy nhưng phải vào dịp hè hoặc tết họ mới được vào đây nghỉ mát độ vài tuần lễ để thăm Vua Bảo Đại .
Cụ Nguyễn Đức Hòa – một người hầu cận thân tín của Cựu hoàng Bảo Đại và mấy đời “nguyên thủ quốc gia” từng kể: “Xa vợ con, Đức Kim thượng đâm ra trữ tình và mê săn bắn”. Hàng ngày Bảo Đại thức dậy vào lúc 8 giờ sáng và đi ngủ vào lúc 9 giờ đêm. Tất cả việc triều chính hầu như đã có các quan và người Pháp coi sóc, nên Nhà Vua chỉ việc ăn chơi và tiếp khách.
Đức Kim thượng thích mặc đồ tây, ăn cơm tây hơn là mặc quốc phục, ăn cơm ta. Ngài ít uống rượu nhưng hợp khẩu vị nhất vẫn là Cognac và sau đó là… giai nhân. Mỗi lần đi thưởng ngoạn gặp người đẹp thì Cựu hoàng lại “cầm lòng không đậu”, chỉ còn cách mật lệnh cho các quan hầu cận bằng mọi giá phải “điệu” cho bằng được “người ngọc” về Dinh để thỏa mây mưa.
Những cuộc tình hối hả, vụng trộm của Đức Kim thượng thì không sao kể xiết, nhưng da diết nhất vẫn là với những người tình: Mộng Điệp, Phi Ánh, Jeny (người Hồng Kông) và Lý Lệ Hà… Song, để tránh sự nhòm ngó của quần thần và bàn dân thiên hạ, Đức Kim thượng đã sắm riêng cho mỗi cô một căn nhà ở ngoại ô nhằm tiện việc “vui vầy duyên cá nước”.
Năm 1949 Bảo Đại tặng người đẹp Mộng Điệp một ngôi biệt thự khá sang trọng ở đường Paul Doumer (nay là số 14 đường Hùng Vương), sắm cho người tình Jeny một căn biệt thự khác ở số 03 Nguyễn Du, mua cho giai nhân Phi Ánh một biệt thự xinh xắn ở gần ga Đà Lạt.
Đêm đêm khi màn sương mỏng buông xuống thành phố, Đức Kim thượng lại bí mật “tìm về tổ ấm” để đắm chìm trong “bể ái nguồn ân”. Có những ngày đẹp trời, men tình dậy sóng, Đức Kim thượng còn đánh liều cho vời từng nàng vào Biệt điện dùng cơm, dạo vườn Thượng uyển và ở lại chăn gối qua đêm, đến sáng thì cho xe đưa về.
Để bồi dưỡng cơ thể và tăng cường sinh lực sau mỗi đêm, ngoài những món sơn hào, hải vị, Nhà Vua thường phải dùng đến sâm nhung, hổ cốt. Kết quả của những cuộc tình vụng trộm, bỏng cháy Đức Kim thượng đã để lại những… “bầu tâm sự”. Mộng Điệp có con với Đức Kim thượng. Hoàng hậu Nam Phương và bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) biết khá rõ việc ăn chơi trác táng của Nhà Vua, nhưng không thể can ngăn được, chỉ còn biết trách móc và đau khổ.
Theo nhiều người đã từng phục vụ Bảo Đại kể lại thì trong số những người tình, Cựu hoàng mê bà Mộng Điệp hơn do bà vừa có sắc đẹp lại trẻ trung. Tháng 04/1994, con gái của bà Mộng Điệp là Mộng Hiền – “giọt máu rơi” của Cựu hoàng sau bao năm bôn ba nơi đất khách quê người (Pháp) đã tìm đến Biệt điện xin nghỉ lại qua đêm trong phòng của Cựu hoàng nhằm hồi tưởng lại những giờ phút hồng hoang đầy hạnh phúc của mẹ mình với thiên tử ở chốn tôn nghiêm này.
Những cuộc săn bắn đẫm máu Những ngày sống ở Biệt điện Đà Lạt, ngoài cái thú rượu ngon, gái đẹp, Bảo Đại còn có một đam mê khác nữa là săn thú rừng. Hồi ấy, tại đây luôn có một Trung đoàn Ngự Lâm và một tiểu đoàn Danh dự thường xuyên túc trực để bảo vệ “thiên tử”. Ngài thường thích tổ chức những cuộc săn với quy mô lớn và thật xa tận Đam Rông, Đắc Tô, Đắc Sút, Buôn Ma Thuột, Pleiku… vì ở những nơi đó có nhiều thú rừng quý hiếm như min, hổ, voi, tây u (tê giác)…
Để chuẩn bị một cuộc đi săn cho Nhà Vua, hầu như các quần thần đều phải vã mồ hôi trán: Nào là đội kinh tượng, nào là phải lo phục dịch ăn uống, an toàn tính mạng cho Đức Kim thượng. Mỗi lần được lệnh đi săn, phải lo đủ 10 voi, 15 con ngựa Bách thảo, hơn 10 tay súng thiện xạ đi theo bảo vệ và ít nhất cũng phải có 3 đầu bếp giỏi cùng đi để lo việc ẩm thực cho ngài.
Trọng trách chỉ huy việc này được giao về cho quan Lãnh binh Song và cụ Hòa. Chính cụ Hòa đã từng chứng kiến tận mắt nhiều cảnh tượng hãi hùng khi Bảo Đại và đoàn tùy tùng săn đuổi, tàn sát những con min (trâu rừng) vô tội một cách không thương tiếc. Để có thể săn được cọp – loài chúa sơn lâm háu ăn và liều lĩnh, Bảo Đại đã khôn khéo học cách người Pháp đã áp dụng với ngài: Lấy thịt nai ra nhử.
Những con hổ đẹp mã lập tức vồ lấy con mồi, nào ngờ ngay sau đó phải ngã quỵ trước mũi súng của Vua và đoàn tùy tùng. Da của nó được đưa về treo trong Biệt điện và biếu tặng quốc khách. Thịt được chia cho mọi người, riêng phần xương được thu vén cẩn thận để nấu cao nhằm bồi dưỡng cho Đức Kim thượng sau những đêm ân ái.
Từ sau ngày Hoàng hậu Nam Phương đưa các con sang Pháp định cư (1950), Bảo Đại được đưa lên làm Quốc trưởng thì hầu như ngài cấm cung tại Biệt điện Đà Lạt để tận hưởng lạc thú. Sau năm 1958, Biệt điện trở thành nơi tiếp quốc khách của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và sau đó được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dùng làm nơi nghỉ mát trong các dịp xuân, hè.
Sau năm 1975, Biệt điện Bảo Đại được giao về cho Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng quản lý. Đến năm 2000 thì giao cho Công ty Du lịch dịch vụ Xuân Hương khai thác kinh doanh du lịch. Năm 1988, người ta đã phát hiện ra một số bảo vật gồm 122 món ngọc ngà, châu báu của triều Nguyễn do bà Từ Cung đem từ Huế vào cất giấu tại đây được đựng trong các thùng gỗ và niêm phong cẩn thận.
Đáng chú ý, trong số bảo vật ấy có nhiều đồ dùng bằng ngọc như thau rửa mặt bằng vàng nạm 16 viên ngọc, các loại bát ngọc, dĩa ngọc, một số đồ dùng bằng vàng. Số bảo vật này sau đó đã được đưa vào cất giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa dám đưa ra trưng bày để du khách được chiêm ngưỡng vì lo lắng đến phương án bảo vệ.
Hôm nay, có dịp đến thăm Dinh III, du khách có thể hình dung ra nơi vui hưởng lạc thú của một đấng “con trời” và hồi tưởng lại thời hồng hoang của Bảo Đại – vị Hoàng đế cuối cùng của đất nước An Nam đã lùi sâu vào dĩ vãng khó quên.
|
Theo Pháp Luật VN