Theo một số luật sư, quy định của VN còn chưa chặt chẽ, khiến cho người mẹ mất con trong bài Bị lừa sinh con cho người nước ngoài (đăng trên Báo Thanh Niên ngày 9.3) không biết phải kêu ở đâu?
Theo quy định VN thì trẻ em sinh ở VN có yếu tố nước ngoài (có cha là người nước ngoài) phải làm khai sinh ở sở tư pháp, trên đó ghi quốc tịch theo cha hoặc mẹ. Mặt khác, theo quy định hiện hành thì con ngoại hôn (ngoài giá thú) phải làm khai sinh ở xã, phường, sau đó người có quốc tịch nước ngoài phải làm thủ tục nhận con ngoài giá thú tại sở tư pháp và làm thủ tục bổ sung tên cha vào khai sinh em bé. Khi có tất cả giấy tờ đó cùng với giấy tờ ưng thuận của người mẹ và có visa xuất cảnh do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp thì mới được phép mang em bé xuất cảnh.
Quy định có vẻ chặt chẽ, nhưng theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) thì vẫn còn kẽ hở. Ở các nước, giấy chứng sinh của một quốc gia đồng thời là giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh chỉ có giá trị cho các cơ quan hành chính của quốc gia đó cấp giấy khai sinh mà thôi. Ở nước ta không có quy định cụ thể nên giấy chứng sinh này được dùng để cấp khai sinh cho trẻ ở cơ quan lãnh sự mà không có cơ quan nào của VN quản lý vấn đề này. Các cơ quan lãnh sự về bản chất cấp khai sinh, hộ chiếu không sai. Thế nhưng, đó là lỗ hổng khiến những phụ nữ VN ít am hiểu có thể bị mất con hoặc dẫn đến không thống nhất khiến một trẻ có hai khai sinh. Một cái do cơ quan VN cấp, một cái do cơ quan lãnh sự cấp, như trường hợp cô Trần Thị Mai Khoa mà Báo Thanh Niên đề cập. Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, cần thiết trên mẫu giấy chứng sinh thêm câu “Chỉ có giá trị cho các cơ quan hành chính VN cấp khai sinh cho trẻ”. Sau đó, cha mẹ trẻ tiếp tục đến cơ quan lãnh sự để làm thủ tục tiếp theo. Quy định này để thống nhất trong quản lý nhằm bảo vệ trẻ không bị thay đổi hộ tịch. Ở cấp độ cao hơn, rất cần thiết giữa VN và các quốc gia có điều ước quốc tế quy định giới hạn giá trị pháp lý của giấy chứng sinh do các cơ sở y tế của VN cấp. Bên cạnh đó, ở một số quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản, việc truy nhận cha cho con ngoại hôn không yêu cầu phải làm xét nghiệm AND. “Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị đưa ra nước ngoài trái phép. Và biết đâu, những người cha đưa trẻ đi xuất cảnh không phải là cha ruột của trẻ”, luật sư Hà Hải nói. Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng lẽ ra cơ quan chức năng chỉ cho phép em bé xuất cảnh khi người cha xuất trình đầy đủ giấy khai sinh do cơ quan thẩm quyền VN cấp kèm với visa xuất cảnh của em bé, giấy ưng thuận có chứng thực của người mẹ và thời hạn ở nước ngoài cụ thể là bao lâu. Tất nhiên, trẻ được cấp hộ chiếu quốc gia nào thì được nhập cảnh vào quốc gia đó, không cần xin visa nhập. Nhưng quốc gia xuất cảnh cần phải quy định chặt chẽ về thủ tục để tránh tình trạng như cô Khoa hiện nay không biết kêu ở đâu, không ai bảo vệ cho mẹ và trẻ.
Lê Nga |
Theo Thanh Niên