Theo thống kê của chính phủ năm 2016, có khoảng hơn 60 triệu trẻ em Trung Quốc không được sống cùng cha hoặc mẹ. Chúng chủ yếu là những đứa trẻ nông thôn sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thốn tình thương.
Cuộc sống và tương lai của những đứa trẻ bị bỏ lại
Trong số những kẻ sát nhân mà viên cảnh sát hình sự Li Meijin (Trung Quốc) từng gặp, Chen Guoqiang (tên nhân vật đã được thay đổi) là một trong những gương mặt mà ông nhớ nhất. Chen sinh ra ở tỉnh Henan miền đông Trung Quốc, là con của cặp vợ chồng công nhân nhập cư.
Khi Chen chưa đầy 6 tuổi, cả cha mẹ của cậu đều làm việc ở các tỉnh khác, để lại cậu con nhỏ cho bà nội và chú trông nom. “Đứa bé không hề nghe lời mọi người” cảnh sát Li nói.
Tới năm 12 tuổi thì Chen bỏ học. 17 tuổi, cậu bé bắt đầu dính líu tới hành động phi pháp, trộm cắp của cửa hàng và khách mua đồ, đôi khi còn giết cả những người chống cự. Cuối cùng thì tới năm 2006, Chen đã cướp và giết một nhà báo Trung Quốc thành phố Đại Liên, vùng đông bắc đất nước.
Cảnh sát đã tóm được Chen khi hắn mang chiếc máy quay của cô nhà báo đi cầm cố. Trong khi Chen bị tạm giam để chờ xét xử với 6 tội danh giết người, Li đã thẩm vấn hắn và biết về cuộc đời của kẻ tội đồ này. “Cậu ta chẳng biết gì về luật pháp, về các quy định, về các khoản tiền hối lộ để trì hoãn” – Li nhớ lại. “Cậu ta đã không có sự chăm nom của bố mẹ khi còn nhỏ”. Chen đã bị thi hành án vào năm 2007.
Theo Li và các nhà phân tích khác, mặc dù trường hợp của Chen là hiếm có và rất cực đoan, thì vụ việc vẫn xoáy vào một vấn đề đang gia tăng tại Trung Quốc: đó là ngày càng có nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tại vùng nông thôn nước này.
Một số trở thành tội phạm vị thành niên khi tuổi còn rất nhỏ. Số khác thì không được bao bọc và xa lánh với cuộc sống xã hội. Một số lại trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục. Những đứa trẻ bị bỏ rơi này sống ở các ngôi làng quê mà không có liên lạc gì nhiều với bố mẹ.
Còn có trường hợp, tại Trung Quốc chấn động trước tin 4 anh em ruột, tuổi từ 5 đến 13, tự tử bằng thuốc trừ sâu vì bị mẹ bỏ rơi và không thể liên lạc được với người bố đang đi làm xa nhà. Ông bà bọn trẻ lại quá già yếu để chăm nom chúng. Cả 4 anh em đều phải bỏ học vì gia đình khó khăn.
Dân làng tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh gần thi thể của cậu anh cả, trong đó cậu bé viết rằng: “Con đã lên kế hoạch này từ lâu và bây giờ là lúc chúng con phải ra đi”.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ sau vụ việc đau lòng nhưng thực trạng vẫn không thay đổi. Những đứa trẻ vẫn bị bỏ lại cho ông bà hoặc họ hàng nuôi dưỡng trong khi bố mẹ chúng bươn chải kiếm sống xa nhà.
Mới đây nhất, câu chuyện về “cậu bé băng giá” Vương Phú Mãn đã khiến hàng triệu người đau lòng đến rơi nước mắt: Một đứa trẻ mới 8 tuổi đã phải sống tự lập mà không có sự chăm sóc của cha mẹ, trong một căn nhà tranh vách đất cùng ông bà đều đã già yếu. Cậu bé đó hằng ngày còn phải cuốc bộ hàng giờ đi học, dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, có lúc xuống dưới âm 9 độ, đến mức, khi đến được trường thì đầu và lông mày đều bị bao phủ hoàn toàn bởi băng tuyết lạnh giá. Thế nhưng, vượt trên tất cả những khó khăn khổ cực, Phú Mãn không hề đau buồn hay than vãn, em chỉ có một ước mong duy nhất: được gặp lại mẹ.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ bị bỏ lại ở vùng nông thôn Trung Quốc. Những đứa trẻ “có bố có mẹ mà như không” ấy đều rất dễ tổn thương, rất nhiều trong số đó gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần dẫn đến những vấn đề về lối cư xử và hành vi khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi, áp lực trong quá trình trưởng thành. Và điều đáng buồn hơn nữa là “vòng tuần hoàn” buồn rất có thể sẽ lặp đi lặp lại giữa các thế hệ khi mà “những đứa con bị bỏ lại” sau khi trưởng thành, cũng rời bỏ nông thôn lên thành thị trong cuộc mưu sinh.
Bi kịch “giấc mộng Trung Hoa”
Để xây dựng nên “giấc mộng Trung Hoa”, làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy toàn bộ thanh niên, trai tráng trong các làng nghèo không có công ăn việc làm, đổ xô tới các thành phố lớn để kiếm tiền. Họ là những công nhân nhập cư, những lao động làm thuê không có đủ điều kiện để mang theo con cái bởi vì giá thuê nhà tại các thành phố lớn quá cao, mức sống quá đắt đỏ, trong khi lương của họ lại thấp.
“Chúng tôi không có đồng ruộng để trồng trọt, chăn nuôi. Nếu không lên thành phố tìm việc, thì biết sống thế nào. Bố mẹ của những đứa trẻ phải đi làm ăn xa, vật lộn kiếm sống, không thể mang con nhỏ theo cùng”, một người giám hộ của những đứa trẻ bị bỏ lại chia sẻ.
Trong vòng ba thập kỷ qua, cuộc sống thiếu cha mẹ đã trở thành một cơn ác mộng cho không người thuộc thế hệ trẻ hơn của đất nước này. Các nhà phân tích cho rằng việc cha mẹ vắng bóng thường xuyên đã lấy đi một phần ‘con người’ rất lớn trong đời sống của đứa trẻ, về mặt giáo dục, an toàn về thể chất cũng như tâm lý.
Li nói: “Thông điệp của tôi đối với những bà mẹ có con dưới 6 tuổi là: đừng tìm việc ở những nơi xa nhà quá”.
Tính trên toàn quốc, số trẻ em bị bỏ rơi như vậy ở những nơi ‘khỉ ho cò gáy’ lên tới 60 triệu em. Nguyên nhân chủ yếu là vì lý do tài chính và tệ quan liêu. Rất nhiều người nhập cư – chiếm tới hơn 10% dân số Trung Quốc – thiếu khả năng đưa toàn bộ gia đình lên các thành phố sinh sống, vì giá cả nhà cửa ở đây đắt như ‘trên trời’. Thậm chí, vợ chồng có khi phải làm ở những nơi rất cách xa nhau, cho dù cả hai cùng làm trong một thành phố.
Nhiều đứa trẻ chỉ được gặp cha mẹ hai tới ba lần trong một năm (thường là vào dịp Tết đầu năm hoặc Trung thu), và chỉ vào khoảng chục ngày cả thảy. “Trong một số trường hợp hãn hữu, cha mẹ có khi còn không thể về nhà đoàn tụ với con suốt ba, bốn năm trời” – Nie Mao, một giáo sư về ngành xã hội nhân văn tại Đại học Trung Nam cho biết. “Có rất nhiều tác động tiêu cực về lâu dài… [họ] đều có ít hoặc nhiều vấn đề về tâm lý học, và một số còn phạm tội”.
Nie đưa ra một loạt các vấn đề mà những đứa trẻ bị bỏ rơi này gặp phải, từ những nỗi ám ảnh cho tới tình trạng không được bao bọc, hoặc học vị thấp kém, cho tới xung đột gia đình. Ông đưa ra các trường hợp trẻ bị chết vì không thể chống chọi với thiên tai, như nạn lụt.
Ông dẫn ra một trường hợp khác, một cậu bé 13 tuổi đã bị những tên buôn người bắt vận chuyển ma túy. “Mẹ của cậu bé hoàn toàn bất lực với tội trạng của con trai” – Nie nói.
Lạm dụng tình dục cũng là một vấn đề chính đáng lo ngại. Mới đây, một bé gái 12 tuổi sống ở Henan với bà ngoại 65 tuổi đã trở thành nạn nhân khi cha mẹ cô bé đi làm xa. Một người đàn ông hàng xóm đã cưỡng bức với cô bé nhiều lần, khiến cô bé mang bầu. Cô bé bị đe dọa nếu như nói chuyện này với người khác, cô sẽ bị ném xuống sông gần nhà.
Không dưới 19 trường hợp tương tự xảy ra tại cùng một quận ở Henan. Trong vòng 3 năm qua, nghiên cứu tương tự tại tỉnh Guandong cho thấy 2506 trẻ khác dưới 18 tuổi thiếu sự chăm sóc của cha mẹ cũng bị lạm dụng tình dục; trong đó phân nửa nạn nhân là dưới 14 tuổi.
Các nhà phân tích cho rằng con số thật sự của các vụ việc còn nhiều hơn thế, vì có rất nhiều trường hợp bị cưỡng bức đã không được trình báo. Bị cha mẹ bỏ mặc ở nhà, phải một mình đương đầu với cuộc sống, những đứa trẻ này có thể dễ dàng rơi vào những vết rạn nứt của xã hội Trung Quốc.
Cảnh sát Li chỉ ra một vấn đề nhức nhối đặt ra với Trung Quốc trong vấn đề này: “Nếu như một người không được nhận tình thương yêu và chăm sóc khi anh ta còn nhỏ, thì liệu có thể trông chờ rằng anh ta sẽ cư xử tốt với người khác và cả xã hội khi anh ta trưởng thành hay không?”.
Chúc Di (t/h)