Một bé trai 5 tuổi ở Hà Nội bị gãy xương chân, được gia đình đưa vào chữa trị tại Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 đã tử vong sau khi được các bác sĩ bệnh viện này gây tê để phẫu thuật. Theo các bác sĩ, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự việc đáng buồn trên có thể là do bé bị sốc phản vệ.
Khoảng 16 giờ chiều ngày 7/7, bé trai Lê Đình Khoa (2014, quê tại xóm 2, Hoà Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) bị tai nạn xe máy trước đó đã được gia đình sơ cứu kịp thời và chuyển lên Bệnh viện 108 cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chuẩn đoán bé K bị gãy 1/3 xương bàn chân phải.
Tử vong bất thường
Đến khoản 21h, Khoa được đưa vào phòng phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống với liều lượng 0,15mg/kg cân nặng.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 40 phút sau khi gây tê xong, Khoa có dấu hiệu thở kém, oxy tụt thấp. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, ép tim lồng ngực nhiều lần, trợ tuần hoàn, trợ hô hấp, huy động các kíp hỗ trợ hút dịch dạ dày, tiếp tục thông khí, hồi sức tích cực bằng các thuốc trợ tim vận mạch, điều chỉnh thăng bằng kiểm soát nhưng không kịp.
Đến 1h15 ngày 8/7, bác sĩ thông báo cho gia đình rằng bé K đã tử vong, nhưng không nói rõ nguyên nhân. Theo đó, gia đình nạn nhân rất búc xúc và cho rằng, các bác sĩ tắc trách trong quá trình tiến hành làm phẫu thuật cho Khoa vì cháu chỉ bị gãy chân không ảnh hưởng đến tính mạng, trước khi phẫu thuật cháu vẫn nói chuyện bình thường…
Video: Bé trai 5 tuổi mất mạng trong ca mổ gãy chân tại bệnh viện 108. (Nguồn: Sen Vàng Tivi)
‘Sự cố ngoài ý muốn’
Sau khi sự việc xảy ra, sáng ngày 8/7, gia đình và đại diện Bệnh viện 108 đã có buổi làm việc và tiến hành lập biên bản. Ban Giám đốc Bệnh viện cũng đã chỉ đạo thành lập Hội đồng chuyên môn liên viện gồm các chuyên gia đầu ngành của các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô… trưng cầu giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân tử vong một cách khách quan.
Hội đồng chuyên môn liên viện đã kết luận: “Đây là một sự cố y khoa ngoài mong muốn, nhiều khả năng do sốc phản vệ không hồi phục khi tiêm thuốc tê hoặc ngộ độc thuốc tê. Để kết luận được chính xác, cần có thêm kết quả giải phẫu thi thể”.
Phía bệnh viện cũng khẳng định rằng, quá trình nhập viện, việc chẩn đoán, chỉ định can thiệp và phương pháp vô cảm của bệnh nhân là phù hợp với tình trạng bệnh lý. Khi tai biến xảy ra, quá trình phát hiện và cấp cứu, xử trí là hợp lý nhưng do diễn biến quá nhanh và nặng nên bệnh nhi không qua khỏi.
Được biết, gia đình bé Khoa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố của Kh. là anh Lê Tiến Cường (1989) đã bị tai nạn cách đây hai năm dẫn đến chấn thương sọ não, mất sức lao động và suy nghĩ như trẻ lên ba, đôi lúc không làm chủ được bản thân. Mẹ cháu mới sinh em bé được 14 tháng. Kinh tế giờ phụ thuộc vào ông bà nội đã ngoài 60.
Vũ Tuấn (t/h)