“Trung Quốc là một viên ngọc quý, nhưng Đảng Cộng Sản tại nước này đã biến nó thành ác thú. Vi phạm nhân quyền là ĐCSTQ, không phải là Trung Hoa, không phải người Trung Quốc. Việc này có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào nếu áp đặt chế độ độc tài như ở Trung Quốc”, Anastasia Lin, hoa hậu thế giới Canada 2015.
Năm 2015, người mẫu kiêm diễn viên Anastasia Lin đã đăng quang ngôi vị Hoa Hậu Thế giới Canada. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn đang chờ đợi cô: những hợp đồng chụp ảnh, lời mời quảng cáo, cùng những khoản tài trợ từ các tổ chức muốn quảng bá hình ảnh.
Tuy nhiên, không giống như nhiều hoa hậu khác, Anastasia Lin đã quyết định sử dụng vị thế của mình để đối mặt với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chỉ ra những vi phạm nhân quyền đang tồn tại ở nước này. Bộ phim mới của cô “The Bleeding Edge” (Lưỡi dao rỉ máu) là một tác phẩm điện ảnh nói về nạn buôn bán nội tạng ở Trung Quốc.
Bộ phim sẽ được trình chiếu trước Hạ Viện Vương Quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (House of Commons) vào tuần tới, trước sự có mặt của các nghị sĩ và quan chức Vương quốc Anh.
Anastasia Lin hoạt động với khẩu hiệu “vẻ đẹp với mục đích cao cả”, chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Phát biểu ở Toronto trước chuyến thăm Westminster, cô đã kể về quãng đời khó khăn của mình. Sinh ra ở Hồ Nam, Trung Quốc, cô chuyển đến Canada năm 13 tuổi cùng với mẹ. Khi ở bên ngoài “Vạn Lý Tường lửa”, hệ thống phong tỏa và kiểm duyệt Internet của Trung Quốc, cô bắt đầu hiểu rõ lịch sử vi phạm nhân quyền của đất nước, nơi cô được sinh ra.
Cô đã rất chấn động khi phát hiện ra, sách giáo khoa tại Trung Quốc là một công cụ tuyên truyền của chính quyền Cộng Sản, người Tây Tạng không độc ác và Pháp Luân Công không phải một “giáo phái giết người” như những gì chính quyền nước này tuyên truyền. Cô còn biết về vụ thảm sát những người biểu tình dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn.
Anastasia còn được truyền cảm hứng từ Nazanin Afshin-Jam, hoa hậu Canada 2003, một cô gái gốc Iran. Họ gặp nhau, và Afshin-Jam nói với Lin, vương miện từ cuộc thi Hoa Hậu Canada có thể là vũ khí chính trị nếu cô biết dùng nó theo cách khôn ngoan. Vì vậy, khi đăng quang vào năm 2015, Anastasia Lin đã tận dụng cơ hội này để vạch trần bản chất của chế độ độc tài ở Trung Quốc.
Chung kết cuộc thi hoa hậu thế giới được tổ chức tại Trung Quốc và giới chức Bắc Kinh đã cấm cô tham dự mà không đưa ra bất kì lý do nào. Cô bị sốc: ”Tôi là sinh viên 25 tuổi ngành sân khấu điện ảnh, chẳng thể nào lại trở thành mối nguy của một chính quyền. Và rồi tôi nhận ra họ sợ người Trung Quốc nhìn thấy tôi trên TV như nhìn thấy một tia hy vọng, nhìn thấy một cô gái cũng bình thường như bao người khác, lại có thể làm được một điều như thế”.
Được sự ủng hộ từ bạn bè, cô cố nhập cảnh vào Trung Quốc qua cửa khẩu Hồng Kông nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối.
Cô đã dùng chính sự việc này để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về những vi phạm nhân quyền của nhà nước Trung Quốc đối với tự do tín ngưỡng ở Tây Tạng, Phật Giáo, Kito giáo, cũng như đối với các học viên Pháp Luân Công, một môn khí công tốt cho sức khỏe cùng với bài tập thiền định, hiện đang chịu nhiều bất công tại Trung Quốc. Hai năm trước, cô đã thực hiện một bộ phim liên quan đến việc này mang tên Red Lotus (Hoa sen đỏ).
Cô cũng trao đổi với phóng viên về chiến dịch mới của mình, đó là hoạt động phản đối vấn nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc. Cấy ghép nội tạng vốn là hoạt động thiết thực trong y học hiện đại, nhưng điều này lại đi ngược với văn hóa truyền thống Trung Hoa. “Người Trung Quốc chúng tôi xem cơ thể là món quà mà cha mẹ ban tặng, chúng tôi được sinh ra lành lặn thì khi ra đi cũng phải trọn vẹn”, cô nói. ”Vì vậy ở Trung Quốc, về mặt đạo đức, rất hiếm người hiến nội tạng, mỗi ca ghép tạng được thực hiện, thì rất có thể nội tạng đó đã được mua hoặc cướp từ người khác”.
Sau nhiều cuộc điều tra của giới truyền thông nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận họ sử dụng nguồn nội tạng từ các tử tù. Tuy nhiên, những con số đã nói lên sự bất cân xứng giữa số lượng tử tù tại Trung Quốc và số ca ghép tạng được lên lịch hàng tuần.
Lin nghi ngờ rằng việc này chỉ có thể lý giải thông qua hoạt động mổ cướp nội tạng do chính đảng cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. “Những người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt vào thế đối lập như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Kito giáo, các học viên Pháp Luân Công là mục tiêu chính của nạn mổ cướp nội tạng”.
Cô cho biết các tù nhân thuộc nhóm người trên đã phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe chuyên sâu kỳ lạ. ”Nhiều người trong số họ được tiến hành kiểm tra giác mạc, phổi và máu thường xuyên”, cô nói. Một số nhà vận động nhân quyền lập luận rằng những tù nhân đó đã được “đặt hàng” và họ sẽ tiến hành cướp nội tạng ngay khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rất khó để dựng nên bức tranh tổng thể rõ ràng về nạn cướp nội tạng này. Các nạn nhân thường tử vong sau khi ca phẫu thuật. “Đó là một trong những khó khăn của việc điều tra hoạt động này”. Nhưng vài tháng trước đây, cô đã tập hợp đủ dữ liệu để trở thành nhân chứng của Ủy ban Nhân quyền thuộc Đảng Bảo thủ Anh Quốc.
John Bercow, phát ngôn viên của tổ chức này, đã mời cô có mặt tại Quốc hội Anh để trình chiếu bộ phim của mình. “Lời mời đã tiếp thêm động lực cho tôi. Các nạn nhân thường không thể nói lên sự thật, và tôi sẽ trở thành tiếng nói của họ”.
Có một số người chỉ trích hay cáo buộc Lin đã dùng nạn buôn bán nội tạng ở Trung Quốc như một cách để trở thành diễn viên nội tiếng. Tuy nhiên, sự thật thì ngược lại, cô nói: ”Các nhà sản xuất phim đã liên lạc và nói với tôi rằng tên tôi xuất hiện trong nhiều danh sách đen tại HollyWood”. Đó là cách để họ giữ thị phần khán giả tại Trung Quốc, cũng như sức ảnh hưởng của điện ảnh Trung Quốc với Mỹ.
Bộ phim được sản xuất tại Canada, đã nhận được sự hoan nghênh đáng trân trọng, ngoại trừ sự lạnh nhạt từ phía các chính trị gia. Lin cho biết cô nhận được hồi đáp khá thờ ơ từ các quan chức cấp cao khi mời họ tham gia buổi trình chiếu vào tuần tới. “Khi tôi gửi lời mời đến Cao ủy Canada tại Anh, họ bảo rằng họ phải tham vấn đại sứ quán Trung Quốc trước khi tham gia. Không phải người Trung Quốc gây áp lực buộc họ rút lui hoặc không tham gia, mà là họ ưu tiên chọn lựa việc phòng tránh các rủi ro có thể khiến người Trung Quốc tức giận”, cô nói.
Các phóng viên đặt giả thuyết liệu bộ phim của cô có củng cố thêm những định kiến của Tây phương về Trung Quốc như một vùng đất dã man, cưỡng bức lao động và nghèo đói. ”Văn hóa Trung Hoa không hề dã man, đó là điều chắc chắn. Trước Cách mạng Văn hóa, nơi đây là một đất nước văn minh bậc nhất với nền văn hóa phong phú”.
“Trung Quốc là một viên ngọc quý, nhưng Đảng Cộng Sản tại nước này đã biến nó thành ác thú bên trong cái xác Frankenstein, có 5 lá phổi, 5 trái tim nhưng không có linh hồn. Vi phạm nhân quyền là ĐCSTQ, không phải là Trung Hoa, không phải người Trung Quốc. Việc này có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào nếu áp đặt chế độ độc tài như ở Trung Quốc. Tôi đã từng là một trong số họ”.
Cuối cùng, cô nói, cô là một người Canada và đang tình nguyện đứng lên thay cho tiếng nói của người dân Trung Quốc.
Theo The Spectator