Tinh Hoa

Bí ẩn về những hang động 2.000 năm tuổi treo trên vách núi dựng đứng ở Nepal

Nằm ẩn trong dãy Himalaya hùng vĩ, các hang động cổ xưa cheo leo trên vách đá có niên đại đến 2.000 năm gần như “bất khả xâm phạm”. Cho đến tận ngày nay, những ẩn đố về các hang động như ai đã đào chúng và bằng cách nào vẫn đang thách thức giới khoa học.

Những hang động 2000 năm tuổi treo trên vách núi dựng đứng ở Nepal. (Ảnh: thaiyalmagan)

Vương quốc Mustang, giáp với cao nguyên Tây Tạng là một trong những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của người Nepal trên dãy Himalaya. Từng là một vương quốc Phật giáo độc lập, Mustang sáp nhập vào Nepal cuối thế kỷ 18, nhưng đến năm 1950 mới thực sự từ bỏ quyền độc lập.

Vì nằm ở vị trí biên giới nhạy cảm, đến năm 1992, người nước ngoài vẫn chưa được tới Mustang. Sự cô lập đối với thế giới bên ngoài giúp nơi đây bảo tồn tốt văn hoá cổ xưa.

Cảnh quan ở Mustang không giống bất cứ điều gì bạn từng chiêm ngưỡng trên khắp Nepal. Những hẻm núi sâu tạo thành bởi sông Kali Gandaki và các hình khắc kỳ lạ trên thành đá. Đặc biệt, trên vách đá dựng đứng ước tính có khoảng 10.000 hang động cổ xưa. Một vài hang nằm ở độ cao gần 50 m so với đáy thung lũng.

Chưa có lời giải đáp cho việc ai đã đào chúng, chức năng thực sự của chúng là gì hoặc làm cách nào để người ta có thể đào hang trên những vách đá dựng đứng gần như không thể đặt chân tới. Ngay cả những nhà leo núi dày dặn kinh nghiệm cũng chưa leo tới được một số hang ở vị trí hiểm hóc.

Trên vách đá dựng đứng ước tính có khoảng 10.000 hang động cổ xưa. (Ảnh: Unusual Facts)

Trong hơn 10.000 hang hiện tồn tại trên vách núi, phần lớn chúng trống không, nhưng trong một số hang vẫn còn những dấu vết của lửa, kho trữ ngũ cốc và các vết tích của phòng ngủ. Một số hang đã có người ở, nhưng những hang có niên đại hơn 2.000 năm thì được sử dụng như những lăng mộ.

Trong các hang động khác, các nhà thám hiểm đã tìm thấy nhiều di tích Phật giáo có giá trị, như những tranh khắc, bản thảo, hàng thủ công,… có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 13.

Theo các chuyên gia, những phát hiện này cho thấy sự phong phú của truyền thống Phật giáo Tây Tạng và nét đẹp của nghệ thuật của nó, cũng như trình độ của các nghệ sĩ thời đó.

Người ta còn tìm thấy những bộ xương có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 8, trước khi Phật giáo xuất hiện ở vương quốc Mustang, thời thịnh hành thiên táng (nghi lễ mai táng bằng việc xé nhỏ xác chết cho kền kền ăn).

Bên trong các hang động. (Ảnh: The Washington Post)

Câu trả lời cho việc thực sự các hang động đá ở Mustang có chức năng gì được các nhà khoa học giải thích như sau. Họ cho rằng việc sử dụng các hang động ở Mustang có thể được chia thành 3 giai đoạn.

Đầu tiên là những ngôi mộ có niên đại từ cách đây 3.000 năm, một số hang khác thì được dùng làm nơi cư trú trong thế kỷ thứ 10. Những cư dân sống ở đây có thể để tránh chiến tranh. Giai đoạn thứ 3 từ thế kỷ 15 khi những hang đá được sử dụng như nhà kho, các trạm quan sát quân sự hoặc những chỗ biệt lập để thực hành thiền định.

Một bức tranh khắc về các vị Phật. (Ảnh: sparkling.vn)
Các hang động gần như dựng đứng so với mặt đất. (Ảnh: Twicsy)

TinhHoa tổng hợp