Tinh Hoa

Bí ẩn những cự thạch hình người kỳ quái ở Indonesia

Có đến vài trăm cự thạch nằm trong khu vực Công viên Quốc gia Lore Lindu, Indonesia thường được tạc thành hình tượng mô tả con người. Tuy nhiên, hơn 100 năm qua kể từ khi phát hiện, vẫn còn rất nhiều bí ẩn quanh những cự thạch kì quái này chưa được giải đáp.

Một kalamba được chạm khắc hình người ở thung lũng Bada (Ảnh: ue datu cottages)

Thung lũng Bada (cũng gọi là Thung lũng Napu) là địa điểm cự thạch nằm trong Công viên Quốc gia Lore Lindu thuộc đảo Sulawesi, Indonesia.

Khoảng vài trăm cự thạch nằm bên trong và xung quanh công viên, thường được tạc thành hình tượng và rất nhiều trong số đó mô tả hình dạng con người. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết gì nhiều về ý nghĩa của những hình tượng cự thạch.

Những cự thạch ở Thung lũng Bada được khám phá lần đầu tiên vào năm 1908. Mặc dù hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi được các nhà khảo cổ phát hiện, dường như chúng ta vẫn còn hiểu biết rất mơ hồ về chúng.

Ví dụ, người ta vẫn còn chưa biết chắc chắn những cự thạch này được tạo ra khi nào. Một số chuyên gia khảo cổ hoài nghi chúng được tạc cách đây khoảng 5.000 năm. Tuy nhiên, số khác đưa ra giả thuyết chúng được hình thành cách đây gần hơn, vào khoảng 1000 năm mà thôi.

Những người khác cũng đưa ra ý kiến rằng, chúng liên quan đến nền văn hóa tạc cự thạch ở Lào, Campuchia và kể cả những vùng đất khác của Indonesia cách đây 2.000 năm. Tuy nhiên, không ai biết tác giả những cự thạch độc đáo này là những ai.

Gương mặt người được chạm khắc trên một cự thạch kalamba. (Ảnh:  Urban Ghosts Media)

Trong khi đó, người dân địa phương tin rằng một số cự thạch được người xưa sử dụng trong những nghi lễ thờ cúng thần thánh. Họ cũng kể nhiều câu chuyện ly kỳ về cự thạch. Ví dụ như, có một cự thạch mà người địa phương gọi tên là Tokala’ea tương truyền là một tên tội phạm bị biến thành đá. Những vết cắt sâu hằn rõ trên cự thạch Tokala’ea được cho chính là những vết thương do dao gây ra.

Một cự thạch khác được người địa phương gọi tên là Tadulako, từng có một thời là người bảo vệ dân làng. Nhưng sau khi ăn cắp một số gạo mà người này mắc tội nên phải biến thành đá! Một số cự thạch khác được cho là bị hóa đá vì hy sinh cho con người. Một số người địa phương cũng tin rằng những tượng cự thạch có năng lực siêu nhiên, có thể biến mất hay di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác.

Bất kể nguồn gốc của những cự thạch là gì, loại đá được để tạc thành những pho tượng khổng lồ là loại không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu gần khu vực cho nên có khả năng chúng được vận chuyển từ nơi khác đến.

Một cự thạch khác ở Thung lũng Bada. (Ảnh: Indonesia-Tourism.com)

Điều này có nghĩa là những người tạo nên tượng cự thạch có lẽ sống trong một xã hội có tổ chức cao và có điều kiện để hoàn thành dự án quy mô như thế. Những pho tượng cự thạch mang hình người hay giống như người thường có phần đầu rất to, thân hình thẳng và không có chân. Gương mặt tượng nói chung đều có đôi mắt tròn và một đường duy nhất thể hiện lông mày, hai má và cằm.

Nhiều cự thạch đứng riêng lẻ, trong khi một số khác được tập hợp thành cặp hay thành các nhóm nhỏ. Ngoài những pho tượng cự thạch độc đáo, Thung lũng Bada còn nổi tiếng với nhiều chậu đá hình tròn gọi là kalamba với đủ mọi hình dáng và kích thước.

Ví dụ, một số kalamba chỉ có một lỗ duy nhất ở trung tâm, trong khi số khác có đến 2 lỗ do vách ngăn ra ở giữa. Theo niềm tin của người địa phương, các kalamba dùng làm chậu tắm dành cho người quý tộc hay nhà vua. Số khác cho rằng kalamba dùng làm quan tài hay có lẽ là bể chứa nước.

Những nắp đậy bằng đá cũng được tìm thấy gần các kalamba. Trước khi các nhà khảo cổ khám phá những cự thạch bí ẩn, người dân địa phương đã cạo lớp rêu dày bám trên mặt đá để làm sạch chúng cho nên rất có thể họ đã vô tình xóa mất một số vết tích nào đó có thể giải thích những bí ẩn lịch sử.

Một số kalamba có một lỗ ở giữa với nắp đậy bằng đá bên cạnh. (Ảnh: Eix del Món)

TinhHoa tổng hợp