Hố tử thần Batagaika ở Siberia (Nga) vẫn thường được người dân địa phương gọi với cái tên “Lối vào địa ngục”, đây chính là một trong những bí ẩn địa chất khó hiểu nhất thế giới, khiến các nhà khoa học điên đầu giải mã.
Khi nhắc đến những bí ẩn dù đã được khoa học “mổ xẻ” rất nhiều tại vùng đất Siberia, chúng ta thường nghĩ đến siêu vụ nổ trên không Tunguska (xảy ra năm 1908) mạnh tương đương 15 triệu tấn TNT thách thức giới nghiên cứu hơn 100 năm nay mà quên mất một bí ẩn địa chất gây khó hiểu bậc nhất cho giới khoa học hiện đại mang tên: Hố tử thần Batagaika.
Được người dân địa phương Yakutia gọi với cái tên “Lối vào địa ngục”, hố tử thần Batagaika chính thức trở thành bí ẩn khó hiểu cách đây 26 năm khi nó xuất hiện tại huyện Verkhoyansk, Siberia, Nga với chiều dài 1.000m, chỗ rộng nhất là 750m và sâu 90m.
Chuyên gia Frank Günther thuộc Viện Nghiên cứu Alfred Wegener (Đức) cho biết, trước kia, hố tử thần Batagaika mở rộng trung bình 10m mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, độ mở rộng của hố đã tăng lên mức báo động: 30m mỗi năm.
Bí ẩn xoay quanh hố tử thần này khiến người Yakutia tin rằng hố càng ngày càng lớn thêm là do ảnh hưởng từ các hoạt động từ “một thế giới ngầm bí ẩn” trong lòng đất.
Việc không ngừng “trỗi dậy” của hố tử thần khiến giới địa chất học lo lắng. Dưới góc độ khoa học, giới địa chất học thế giới nhận định, bên dưới hố tử thần Batagaika là một tảng băng vĩnh cửu khổng lồ từng tồn tại trong Kỷ băng hà bị “giam hãm” đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, trước việc ấm lên toàn cầu, tảng băng dần tan chảy khiến cho phần đất phía trên bao bọc tảng băng vỡ dần ra tạo thành “hố tử thần” mà chúng ta thấy ngày nay.
Sau khi phân tích mẫu đất đá bên dưới hố tử thần, giáo sư Julian Murton thuộc trường Đại học Sussex (Anh) nhận định, lớp đất đá tại hố có niên đại 200.000 năm tuổi, trong khi lớp đất đá xung quanh có niên đại khoảng 120.000 năm.
Nghiên cứu hố tử thần Batagaika sẽ giúp giới khảo cổ học hiểu thêm về thế giới cổ sinh (như bộ xương đông lạnh của voi ma mút, bò xạ hương, ngựa và cả phấn hoa cổ đại) chìm sâu dưới lớp băng hàng trăm nghìn năm trước.
Tuy nhiên, đối với các khí tượng học, việc xuất hiện hố tử thần và độ giãn nở tăng chóng mặt của nó là một dấu hiệu đáng báo động về khí hậu của Trái đất.
Không chỉ lớp băng nhìn thấy được ở hai cực Trái đất đang ngày càng tan chảy, mà nay đến lớp băng vĩnh cửu ẩn sâu trong lòng đất cũng tan ra do nhiệt độ tăng lên của Trái đất.
Ngược lại, khi lớp băng vĩnh cửu này càng tan ra, quá trình này sẽ phát thải hàng loạt khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển Trái đất. Điều này càng khiến hành tinh của chúng ta nóng lên, và lại càng đẩy nhanh quá trình băng vĩnh cửu tan thêm.
Giới khoa học nhận định, không phải vô tình mà dân địa phương lo sợ hố tử thần Batagaika. Nó giống như một triệu chứng, một căn bệnh, một điềm báo đại diện cho mối đe dọa lớn đối với khí hậu của hành tinh.
Trong phần kết luận nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, việc tìm hiểu các thông tin địa chất tại hố tử thần sẽ cho chúng ta biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với Siberia trong lần cuối cùng tảng băng vĩnh cửu này tan ra cách đây 10.000 năm. Nhờ đó, chúng ta sẽ dự đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu tảng băng này tan ra trong tương lai.
Tuy nhiên, cho đến nay, bí ẩn tại hố tử thần Batagaika ở Siberia (Nga) vẫn là một thách thức không dễ giải mã của giới địa chất học trên thế giới.
Theo Trí thức trẻ