Câu hỏi ám ảnh nhất về trận động đất 8,6 độ richter ngoài khơi Indonesia chiều qua là vì sao nó lại đạt đến cường độ mạnh như vậy.||
Hầu hết các trận động đất lớn ngoài khơi đều xảy ra ở các khu vực hút chìm (subduction zone), nơi các thềm lục địa nằm xếp chồng lên nhau. Ấy thế nhưng tâm chấn của trận động đất hôm 11/4 lại là một khe nứt thẳng đứng nằm cách đảo Sumatra 400 km về phía Tây, tức là cách khá xa rãnh Sundra, vùng hút chìm gần nhất. Thông thường thì các khe đứt gãy trục dọc kiểu này không tạo ra được nhiều năng lượng đến thế. “Đây là một hiện tượng rất đáng chú ý về mặt khoa học”, nhà địa chất học John McCloskey của Đại học Ulster, Coleraine, Anh nhận định. Ông là một chuyên gia về địa chấn học ở Ấn Độ Dương. Cùng với các đồng nghiệp, McCloskey đang tính toán để tìm hiểu điều gì đã dẫn đến cường độ động đất mạnh bất thường này. Và chính hướng thẳng đứng của khe nứt cũng giải thích vì sao mà trận động đất 11/3 không kích hoạt sóng thần. Năng lượng thấp Các khe nứt thẳng đứng hình thành ở các khu vực sống núi giữa đại dương, nơi hình thành nên lớp vỏ biển. Khi một tầng vỏ mới hình thành dịch chuyển khỏi sống núi, nó sẽ tạo ra một loạt các vết nứt nằm vuông góc với sống núi. Chúng được gọi là “lỗi kiến tạo” và thường ngủ yên ở các vùng vỏ biển cổ xưa, nơi không còn thuộc sống núi nữa. Thế nhưng trận động đất 11/4 xảy ra vì một trong số các “lỗi kiến tạo” đã hoạt động trở lại. Những trận động đất xảy ra trên lỗi kiến tạo thường có xu hướng nhỏ hơn, yếu hơn so với các trận động đất khi thềm lục địa dịch chuyển, nhất là so với các chuyển dịch ở khu vực hút chìm. Đó là do lỗi kiến tạo ở khu vực hút chìm mở rộng theo đường chéo, xuyên qua các vỏ biển và có thể vươn đến khoảng cách xa hơn trước khi va chạm với tầng địa chất bên dưới. Hệ quả là năng lượng do các khe đứt gãy thẳng đứng trượt dốc tạo ra thường ít hơn. “Tôi sẽ phải kiểm tra lại vì tôi chưa từng nghe nói đến một trận động đất nứt dọc 8,7 độ richter bao giờ”, McCloskey chia sẻ trên LiveScience. Vì sao mạnh đến vậy? McCloskey và các đồng nghiệp đã xây dựng được một số giả thuyết. Tuy tâm chấn ghi nhận được không nằm ở khu vực hút chìm, song thực tế là nó cũng nằm gần vùng rãnh Sundra. Có thể các khe nứt đã lan trên diện rộng nên trong lúc xảy ra động đất, thềm Sundra cũng dịch chuyển. Một giả thiết thứ hai là lỗi kiến tạo đứt gãy về phía sau, hướng về phía Ấn Độ Dương tới vài trăm km. Đoạn đứt gãy càng dài thì năng lượng giải phóng ra càng lớn. Trọng Cầm |