Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn “Kinh Quỷ dữ”
Cuốn Codex Gigas, hay còn được biết đến với tên gọi “Kinh Quỷ dữ”, là tác phẩm viết tay thời Trung cổ lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay và được ví sánh ngang với các kỳ quan thế giới cổ xưa. Đến nay, danh tính tác giả cuốn sách vẫn còn là một bí ẩn.
Với bề dày gần 22cm và chiều dài 92cm, cuốn Codex Gigas lớn đến mức người ta đồn đại rằng, tác giả phải sử dụng da của hơn 160 động vật để hoàn thành nó. Cuốn sách có bìa bằng da thuộc và các trang bằng giấy da mịn, với trọng lượng tổng cộng lên tới 74kg, đòi hỏi ít nhất 2 người hợp sức mới nâng bổng được nó.
Tuy nhiên, kích thước “khủng” của Codex Gigas không phải là thứ duy nhất khiến các nhà sử học kinh ngạc. Bên trong cuốn sách là hình ảnh màu, choán cả trang của một con quỷ, trông đầy hăm dọa, khiến nhiều người tin rằng bản thân các trang sách đã bị nguyền rủa.
Tác phẩm viết tay có biệt danh “Kinh Quỷ dữ” này đang được lưu giữ bên trong Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển ở Stockholm. Nó được cho là ra đời vào đầu thế kỷ 13 tại tu viện Benedictine ở CH Séc. Tuy nhiên, cho tới tận ngày nay, người ta vẫn chưa rõ cuốn sách được tạo ra như thế nào.
Truyền thuyết kể rằng, một tu sĩ thời trung cổ bị kết án phải sống giam hãm sau 4 bức tường vì phá vỡ các lời thề tu hành của ông. Để tránh hình phạt này, tu sĩ hứa sẽ viết một cuốn sách chứa đựng mọi tri thức của nhân loại chỉ trong vòng 1 đêm.
Khi tới nửa đêm, viên tu sĩ biết rằng bản thân không thể tự thực hiện lời hứa. Trong lúc tuyệt vọng, ông đã cầu xin quỷ Satan (Lucifer) giúp đỡ với thỏa thuận đổi linh hồn mình với việc hoàn thành cuốn sách. Quỷ Satan đã đồng ý và để lại bút tích trong tác phẩm bằng cách cho thêm bức chân dung tự họa của mình.
Theo một bài báo đăng tải trên tạp chí National Geographic cách đây vài năm, kết quả phân tích chữ viết tay của nhà nghiên cứu chữ cổ Michael Gullick thuộc Thư viện Quốc gia Thụy Điển cho thấy, cuốn Codex Gigas chỉ do một người viết nên.
Ngoài các chữ viết, một chữ ký bên trong văn tự – “hermann inclusis” – cũng ám chỉ, nhiều khả năng cuốn “Kinh Quỷ dữ” chỉ có một tác giả duy nhất.
Mực viết sách được làm từ các tổ côn trùng bị nghiền nát. Nhà nghiên cứu Gullick nhận định, ít có khả năng là một tác giả sẽ sử dụng các loại mực khác nhau.
Trong khi đó, các thử nghiệm nhằm tái tạo lại cách viết của “Kinh Quỷ dữ” ám chỉ, người ta sẽ mất tới 5 năm viết không ngừng nghỉ mới hoàn thành được cuốn sách.
“Rõ ràng, tác giả của cuốn sách đồ sộ này phải nằm dưới sự điều khiển của thứ gì đó mới có thể tạo ra một kiệt tác như vậy. Dù đó là sức mạnh của ánh sáng hay bóng tối, thì nó cũng đã mất tích theo thời gian”, một bài viết trên trang Line Up nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, cuốn Codex Gigas chứa toàn bộ nội dung Kinh thánh cùng 5 phần nội dung dài khác. Cuốn sách bắt đầu bằng Kinh Cựu ước, tiếp đó là 2 tác phẩm của Flavius Josephus, học giả sống vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Tác phẩm viết tay này kết thúc bằng Kinh Tân ước và phần cuối trong bộ Biên niên sử về Bohemia của linh mục kiêm sử gia Cosmas đến từ Prague (CH Séc).
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, truyền thuyết về tu sĩ bị trừng phạt bắt nguồn từ sự hiểu lầm chữ ký trong cuốn sách – Hermanus inclusus. Từ “inclusus” đứng riêng rẽ trong tiếng Latin được cho là biểu thị một sự trừng phạt khủng khiếp, nhưng theo các chuyên gia, nghĩa thực của nó gần với “ẩn sĩ” hơn. Điều này đồng nghĩa, chữ ký bí hiểm trên có thể thuộc về một tu sĩ cô độc, người chọn xa lánh thế giới bên ngoài và dành trọn tâm huyết để tạo ra Codex Gigas.
Theo Vietnamnet