Tinh Hoa

Bí ẩn bộ tộc có cuộc sống không thay đổi trong hơn 10.000 năm

Bộ tộc Hadza ở miền trung Tanzania không trồng cây, chăn nuôi hay xây dựng nơi trú ẩn mà sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng suốt hơn 10.000 năm qua.

 
Một cậu bé thuộc bộ tộc Hadza gắn lông thú trên đầu (ảnh trái) và cậu bé khác đang cầm con chim bồ câu đã chết bởi một cây cung tự chế (ảnh phải). Bộ tộc Hadza sống bên hồ Eyasi, phía bắc Tanzania bằng phương thức săn bắt, hái lượm cũng giống như tổ tiên của họ và hầu như không tiếp xúc với thế giới hiện đại.
 
 
Dân số của bộ tộc Hadza khoảng 1.000 người. Họ không trồng cây, chăn nuôi hay xây dựng chỗ trú ẩn lâu dài. Thay vào đó, các thành viên của bộ tộc sống trong các hang động xung quanh hồ Eyasi thuộc thung lũng Great Rift. Cuộc sống của họ không chút thay đổi suốt hơn 10.000 năm nay, Daily Mail đưa tin.
 
 
Một người Hadza đang chỉ cho phóng viên cách lần theo dấu vết của động vật. Đây là bộ tộc lạ lùng nhất thế giới bởi họ không có thần linh, tộc trưởng, không sở hữu tài sản riêng và quan hệ quần hôn. Họ không tham gia vào các cuộc xung đột và cũng chưa từng chịu các bệnh truyền nhiễm hay lâm vào cảnh thiếu ăn. Chế độ ăn uống của người Hadza khá đơn giản với nguồn thức ăn là các loài chim, khỉ đầu chó, linh dương hay trâu do chính họ bắt được sau mỗi chuyến đi săn.
 
 
Người Hadza sử dụng những cây cung hay mũi tên tự chế trong mỗi chuyến săn bắt. Hàng ngày, đàn ông đi săn, tìm mật ong, còn đàn bà đào củ, hái trái cây. Khi hết thức ăn, đàn ông lại tổ chức đi săn. Họ không trao đổi hàng hóa và cũng không tích trữ thực phẩm.
 
 
Mỗi sáng, những người đàn ông trong bộ tộc thường tập trung lại để cùng nhau mài sắc vũ khí. Người Hadza giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ có nhịp điệu ngắt quãng và cổ nhất trong lịch sử của nhân loại. Ngôn ngữ của tộc người Hadza vẫn là bí ẩn với giới khoa học.
 
 
Thành viên bộ tộc Hadza mặc áo choàng làm từ da khỉ đầu chó như một minh chứng cho khả năng săn bắt của họ (ảnh trái). Một hộp sọ của khỉ đầu chó (ảnh phải).
 
 
Người Hadza uống nước trực tiếp từ các con sông, dòng suối. Chính phủ Tanzania đã cố gắng tìm cách ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của bộ tộc này bằng cách truyền bá cuộc sống văn minh cho họ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại. Họ không sử dụng nhà do chính phủ cấp mà chỉ ở lều cỏ; không dùng bếp ga, bếp than hay áp dụng cách đánh lửa của thế giới hiện đại, mà nhất quyết dành cả buổi để lấy lửa từ đá.
 

Theo zing.vn