Gần đây, chính phủ Bhutan đã chính thức bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng đất tranh chấp ở cao nguyên Doklam.
Wang Wenli, một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã tuyên bố rằng Bhutan thông qua các kênh ngoại giao đã nói với Bắc Kinh, khu vực tranh chấp trên không thuộc về lãnh thổ của họ.
Theo đó bà Wang, người đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng về các vấn đề biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã thông báo tin này cho truyền thông Ấn Độ. Tuy nhiên, bà đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho phát ngôn của mình, điều mà Bhutan phủ nhận mạnh mẽ.
Đại diện phía chính phủ Bhutan đã nói qua điện thoại rằng: “Quan điểm của chúng tôi về vấn đề biên giới ở Doklam rất rõ ràng. Xin hãy tham khảo bản tuyên bố đã được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Bhutan vào ngày 29/6/2017”.
Phản ứng với các vấn đề leo thang tại Doklam, Bhutan đã đưa ra một thông cáo trên báo chí trong đó tuyên bố rõ ràng rằng việc xây dựng đường xá ngay bên trong lãnh thổ Bhutan là một sự vi phạm trực tiếp các thỏa thuận và ảnh hưởng đến quá trình phân định biên giới giữa hai nước.
Trong 1 thông cáo trên báo chí, Bhutan cho biết, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một con đường nối từ Dokola thuộc cao nguyên Doklam tới doanh trại quân đội Bhutan ở Zompelri vào ngày 16/6/2017.
Thêm vào đó, các cuộc đàm phán ranh giới giữa Bhutan và Trung Quốc vẫn đang được tiến hành và hai nước đã có được những văn bản thỏa thuận vào năm 1988 và 1998. Trong đó nói rằng 2 nước đã đồng ý duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới trong quá trình chờ đợi những phán quyết cuối cùng.
Hai bên cũng đã đồng ý duy trì hiện trạng ranh giới như trước tháng 3/1959 và sẽ không thực hiện hành động đơn phương, hoặc sử dụng vũ lực, để thay đổi hiện trạng của ranh giới. Bhutan hy vọng rằng hiện trạng ở khu vực Doklam sẽ được chính phủ Trung Quốc duy trì giống như trước ngày 16/6/2017.
Đại diện ngoại giao Trung Quốc, bà Wang Wenli, thừa nhận rằng Bhutan đã phản đối thẳng thắn về sự vi phạm của Bắc Kinh ở khu vực Doklam, nhưng sau đó bà lại nói rằng: “Sau sự việc, người dân Bhutan đã nói rõ với chúng tôi rằng nơi xảy ra vụ xâm nhập không phải là phần lãnh thổ của Bhutan”.
Bà cũng nói thêm rằng: “Người Bhutan thấy rằng quân đội biên phòng Ấn Độ có biểu hiện rất lạ trước phần lãnh thổ của Trung Quốc”, và ngụ ý rằng những quan điểm của mà bà lượm lặt từ các phương tiện truyền thông và các trang mạng pháp luật Bhutan sẽ chứa đựng nhiều “thông tin thuyết phục hơn”. Tuy nhiên, chính phủ Bhutan đã bác bỏ tất cả những tuyên bố này.
Ấn Độ cũng đã trích dẫn lời của Bộ Ngoại giao Bhutan và nhấn mạnh rằng: “việc xây dựng một con đường bên trong lãnh thổ Bhutan là một sự vi phạm trực tiếp các hiệp định 1988 và 1998 giữa Bhutan và Trung Quốc và ảnh hưởng đến quá trình phân định ranh giới giữa hai quốc gia”.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã nhắn nhủ với Trung Quốc rằng sự việc xây dựng đường này đã thể hiện sự thay đổi đáng kể nguyên trạng khu vực với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của New Delhi. Theo Ấn Độ, cả 2 bên nên rút quân để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sẽ diễn ra.
Bhutan không có bất kỳ mối quan hệ ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc. Và họ duy trì các liên lạc với Bắc Kinh thông qua sứ mệnh ngoại giao của mình ở New Delhi. Trước đó, Bhutan và Trung Quốc đã tổ chức 24 vòng đàm phán để giải quyết các tranh chấp biên giới, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đã hoàn thành 19 vòng đàm phán song phương.
Hoàng An biên dịch