Tinh Hoa

Bhutan – Quốc gia Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại

Nằm ẩn mình bên dãy Himalaya hùng vĩ, đất nước Bhutan hiện lên thật thanh bình. Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này sở hữu nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại.

Người mẹ và con trai đi qua cây cầu treo kín cờ cầu nguyện đủ màu.

Bhutan – một đất nước thực sự tuyệt vời, được mệnh danh là thiên đường của người leo núi. Một số người gọi Bhutan là “Shangri La cuối cùng trên hành tinh lớn của chúng tôi” hay quốc gia Phật giáo với khoảng 75% dân số theo Phật giáo dòng Kim Cương Thừa.

Với dân số gần 700.000 người, nằm giữa 2 quốc gia đông dân bậc nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, vương quốc Bhutan được coi là một trong những quốc gia xanh nhất trên hành tinh.

Bao quanh là những bức tranh Phật giáo đầy màu sắc, một cụ già quay kinh luân (bánh xe cầu nguyện) ở ngôi đền tại Punakha, phía tây Bhutan. Các kinh luân được chạm trổ tỉ mỉ với hàng nghìn câu thần chú. Người địa phương cho rằng quay bánh xe cũng như đọc những thần chú này hàng nghìn lần.
Cửa sổ của các hàng quán ở thủ đô Thimphu trưng bày hàng hóa hiện đại, nhưng kiến trúc nhà vẫn theo kiểu truyền thống. Bhutan vẫn đứng ngoài ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cho tới năm 1999, khi tivi và Internet được sử dụng ở quốc gia này.
Các nhà sư biểu diễn một điệu nhảy ở lễ hội tại Bumthang, vùng trung tâm Bhutan. Các thị trấn của Bhutan thường tổ chức lễ Tsechus hàng năm, với các màn biểu diễn xoay quanh chủ đề tôn giáo và lịch sử.
Thangka – tác phẩm hội họa đặc sắc trên lụa vẽ thánh Guru Rinpoche và các vị thần linh thiêng khác là điểm nổi bật ở lễ hội Paro Tshechu, lễ hội Phật giáo chính của Bhutan, diễn ra khoảng 5 ngày vào mỗi mùa xuân tại một tu viện bên sông Paro. Người dân tin rằng nhìn vào Thangka sẽ rửa sạch mọi tội lỗi.
Di tích Drukgyel Dzong, trước đây là một pháo đài và tu viện, nằm giữa những sườn đồi của thị trấn Paro, phía tây Bhutan. Công trình này bị hỏa hoạn phá hủy vào những năm 1950, và giờ là một điểm tham quan du lịch.
Nhà sư chỉnh sửa trang phục trước khi vào tu viện ở trung tâm Bhutan. Niềm tin Phật giáo có gốc rễ sâu xa là một trong những nhân tố chính để quốc gia này sử dụng GNP (tổng hạnh phúc quốc dân), thay cho GDP (tổng sản phẩm quốc nội) để đo độ thịnh vượng.
Một tín đồ đạo Phật quay hàng bánh xe kinh luân ở đền thờ tại Thimpu. Văn hóa truyền thống vẫn được duy trì mạnh mẽ ở Bhutan. Người dân thường mặc trang phục dân tộc trong cuộc sống thường ngày.
Học sinh ở thị trấn Punukha đang chờ xe bus trước dzong – một kiểu pháo đài kiêm tu viện ở Bhutan. Quốc gia này có khoảng 18 dzong đang hoạt động, dưới vai trò tôn giáo và trung tâm hành chính.
Những thửa ruộng bậc thang và ngọn đồi thoai thoải là hình ảnh thường thấy ở miền nông thôn Bhutan. Kiểu canh tác truyền thống rất phổ biến ở đây. Bhutan dự định sẽ có nền nông nghiệp 100% hữu cơ vào năm 2020.
Những người lính sau lễ hạ cờ ở Tashichho Dzong, trung tâm quyền lực của chính phủ Bhutan. Quốc gia này có nền quân chủ chuyên chế tới năm 2008, sau đó chính phủ chuyển sang quân chủ lập hiến.
Người dân địa phương ngắm nhìn Tashichho Dzong ở Thimphu vào buổi tối. Được xây dựng năm 1216, khu tổ hợp đền đài, công trình hành chính này là trung tâm quyền lực của Bhutan.
Những ngọn nến cháy sáng trong một Dzong ở Bhutan.
Các lá cờ nguyện treo ở điểm quan sát nhìn ra Taktsang Palphug, tu viện hàng trăm năm tuổi, nơi được coi là biểu tượng quốc gia của Bhutan. Nằm trên vách đá bên thung lũng Paro, ngôi đền cổ này là điểm hành hương cho người Bhutan.

Theo Zing