Tinh Hoa

Bệnh bại liệt: Nguy cơ quay trở lại

Bệnh bại liệt đã được thanh toán ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từ năm 2000 nhưng thời gian gần đây bệnh đã xuất hiện trở lại ở một số nước, đe dọa sức khỏe cộng đồng và có khả năng lây sang nhiều nước khác nếu không có biện pháp phòng bệnh.

Di chứng nguy hiểm của bệnh bại liệt. (Ảnh: Internet)

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở khu vực Tây Thái Bình Dương tuyên bố đã thanh toán được bệnh bại liệt và vào thời điểm này Việt Nam cũng đã công bố thanh toán được bệnh bại liệt. Tuy nhiên do còn nhiều nước trên thế giới vẫn chưa thanh toán được bệnh bại liệt nên Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc phòng bệnh bằng vắc xin cho trẻ em cần được tiếp tục thực hiện.

Trên thực tế hiện nay, mặc dù có một số bệnh truyền nhiễm đã tuyên bố thanh toán, công bố loại trừ bệnh ra khỏi cộng đồng nhưng sau một thời gian vắng bóng chúng có thể quay trở lại bất cứ lúc nào khi miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống ở mức độ thấp. Nguy cơ bùng phát dịch với hậu quả nghiêm trọng là điều không thể lường trước được.

1. Bệnh bại liệt là gì và lây lan như thế nào
  • Bệnh bại liệt đã được thanh toán ở Việt nam và nhiều nước trên thế giới từ năm 2000 nhưng thời gian gần đây bệnh đã xuất hiện trở lại ở một số nước, đe dọa sức khỏe cộng đồng và có khả năng lây sang nhiều nước khác nếu không có biện pháp phòng bệnh.
  • Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra có thể lây truyền thành dịch.
  • Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa: trực tiếp từ phân – miệng hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống, tay và dụng cụ bị nhiễm virus từ phân người bệnh. Một số ít lây qua đường hầu họng. Ruồi nhặng cũng là tác nhân vận chuyển vi-rút từ phân người bệnh sang thức ăn, nước uống. Người bệnh có khả năng đào thải vi-rút trong 10 ngày trước và sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
  • Virus bại liệt vào cơ thể người phát triển trong ruột sau đó xâm nhập vào hạch bạch huyết, từ đó xâm nhập vào hệ thần kinh và có thể gây liệt vĩnh viễn.
  • Nhiều người bị nhiễm virus bại liệt không có triệu chứng nhưng phân của họ có chứa virus và lây lan cho người lành.
2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh bại liệt
  • Sốt đột ngột.
  • Mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, nôn.
  • Đau cơ, cứng gáy.
  • Khó thở.
  • Yếu hoặc liệt tay, chân, thường chỉ một bên.
3. Bệnh bại liệt có những biến chứng và di chứng nào
  • Suy hô hấp cấp do liệt cơ hô hấp dễ dẫn đến tử vong.
  • Tàn tật vĩnh viễn do liệt vận động tay, chân, biến dạng của hông, mắt cá chân và bàn chân.
4. Làm sao phòng ngừa được bệnh
 
 
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể để lại những di chứng rất nặng nề cho người bệnh và gia đình. Do đó, cần phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa chủ động sau:
  • Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng cho trẻ, người chăm sóc trẻ: trước và sau khi chăm sóc trẻ; trước khi cho trẻ ăn; trước và sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi che miệng khi ho, hắt hơi.
  • Cho trẻ uống vắc-xin bại liệt (OPV) đủ 3 lần vào tháng thứ 2, 3 và 4 sau khi sinh. Cho trẻ uống thêm các đợt vắc xin khi có thông báo của y tế địa phương.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: sử dụng nguồn nước sạch, thực phẩm và dụng cụ chế biến phải sạch, giữ vệ sinh trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Ăn chín, uống chín.
  • Đảm bảo vệ sinh môi trường: nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân và chất thải cần được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Khi có những dấu hiệu bệnh, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được cách ly, điều trị kịp thời và thông báo với cơ sở y tế tại địa phương để có biện pháp phòng lây bệnh ra cộng đồng.
Thông điệp truyền thông bệnh bại liệt
Uống đủ 3 liều vắc-xin bại liệt là biện pháp phòng ngừa chủ động hiệu quả nhất.
Nguồn Internet