Chiếc “vali hạt nhân” quyền lực của Tổng thống Mỹ đã một lần nữa xuất hiện tại Việt Nam. Dù ông Donald Trump ở bất cứ đâu, chiếc vali hạt nhân luôn được đảm bảo ở gần người đứng đầu chính phủ Mỹ để sẵn sàng kích hoạt khi cần thiết.
Khoảng 20h50′ tối 26/2, chuyên cơ Air Force One đã đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phái đoàn tháp tùng tới sân bay Nội Bài, Hà Nội. Được biết, sau khi Tổng thống bước ra từ cửa trước máy bay, các nhân viên Mỹ đã xuống bằng cửa sau máy bay.
Trong đoàn tháp tùng ông Trump có một nhân vật đặc biệt, đảm nhiệm trọng trách mang chiếc “Vali hạt nhân” quyền lực của Tổng thống Mỹ có tên gọi là “Nuclear Football” (Quả bóng hạt nhân).
Theo CNN, đây là một món đồ cực kỳ quan trọng mà ông Donald Trump được trao quyền sở hữu vào đúng ngày nhậm chức hồi tháng 1/2017. Trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở, Lầu Năm Góc đã tiến hành đổi toàn bộ mật mã và quy trình khởi động vũ khí hạt nhân của tổng thống cũ để cài đặt quy trình cho tổng thống mới.
Vali nhân bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy sau khi sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Sau sự kiện này, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng, Tổng thống Mỹ cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân. Qua các năm, chiếc vali đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm lớn mà vị tổng thống của nước này lúc nào cũng cần mang bên mình.
Chiếc vali này đi kèm với mã kích hoạt hạt nhân để Tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào.
Vali hạt nhân được chuyển giao chính thức giữa các đời tổng thống Mỹ vào đúng giữa trưa ngày tuyên thệ nhậm chức, đúng thời điểm diễn ra lễ chuyển giao quyền lực. Phó Tổng thống Mỹ cũng được giữ một chiếc vali dự phòng đề phòng trường hợp Tổng thống không thể tự xoay sở hay bị bắt cóc, ám sát.
Bên trong vali hạt nhân
Vali hạt nhân thực chất là một chiếc cặp da màu đen, bên trong là một vali bằng titan siêu bền nặng 18kg, kích thước 45x35x25cm với khóa bằng mật mã.
Bên trong chiếc vali là một máy phát sóng vệ tinh và một số tài liệu, dựa trên cơ sở đó Tổng thống cần phải đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số này có một “cuốn sách đen” dày 30 trang ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân.
Trong vali còn có danh sách các hầm ngầm bí mật mà Tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, kèm theo đó là chỉ dẫn liên lạc với Lầu Năm Góc và đề xuất về các bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, trong vali còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó Tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông đang ở đâu.
Ban đầu, trong giai đoạn 1962-1977, mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ chỉ là một dãy gồm 8 con số 0. Điều này là bởi, Washington cho rằng, việc kích hoạt tên lửa hạt nhân đơn giản giúp họ khởi động “càng nhanh càng tốt” loại vũ khí này để ứng phó với kẻ thù trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, từ sau năm 1977, mật mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới được cho là được đổi lại phức tạp hơn.
Một số nguồn tin nói rằng, từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, người đứng đầu Nhà Trắng có khả năng cập nhật mã phóng vũ khí hạt nhân trên trang web đặc biệt của Nhà Trắng. Các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Mỹ đảm nhận trách nhiệm ngăn ngừa những vụ tin tặc muốn tiếp cận chuỗi mã phóng này và ông Obama buộc phải sử dụng chữ ký trên võng mạc để mở hệ thống.
Tuy nhiên, cựu Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, vali hạt nhân không có máy quét võng mạc hay nút bấm màu đỏ như nhiều người nghĩ.
Vật bất ly thân
Vali hạt nhân được một phụ tá quân sự của Tổng thống nắm giữ. Sĩ quan này luôn ở cùng Tổng thống Mỹ ở mọi nơi, dù ở Nhà Trắng, trên đoàn xe hộ tống, hay trên chuyên cơ Air Force One trong các chuyến công du nước ngoài. Người này đi cùng Tổng thống trong thang máy, ở cùng tầng khách sạn và được bảo vệ cẩn thận bởi các nhân viên mật vụ. Điều này nhằm đảm bảo Tổng thống có thể tiếp cận vali hạt nhân mọi lúc, mọi nơi trong những trường hợp khẩn cấp.
Có tất cả 5 viên trợ lý như vậy trực thay ca 24/24. Các trợ lý này được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ các sĩ quan không quân và lực lượng thủy quân lục chiến và phải trải qua quá trình điều tra chi tiết về tiểu sử và các mối quan hệ.
“Phải luôn sẵn sàng trong bất cứ thời điểm nào. Bạn phải phản ứng thật nhanh vì tấn công hạt nhân sẽ có tốc độ rất nhanh. Một đầu đạn hạt nhân sẽ chỉ mất có 5 phút để tấn công Washington hay New York”, Peter Metzger, người từng được chọn làm sĩ quan luân phiên giữ vali hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan cho biết.
Quy trình ra mệnh lệnh hạt nhân
Một khi đã quyết định phát động một cuộc tấn công hoặc phản đòn hạt nhân, trước tiên Tổng thống Mỹ sẽ dùng quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang để lựa chọn mục tiêu và phương án tấn công hạt nhân. Sau đó, quyền chỉ huy vụ phóng sẽ được trao cho Bộ trưởng quốc phòng.
Lệnh tấn công được chuyển tới các cơ quan của Lầu Năm Góc và các mã xác nhận sẽ được gửi tới Sở chỉ huy chiến lược Mỹ đóng tại căn cứ Offutt, bang Nebraska.
Cuối cùng, lệnh tấn công lại được đưa đến đội thực thi, đội này sẽ phải so sánh mật mã mã hóa được chuyển tới với mật mã họ đang giữ. Nếu các chuỗi mã trùng khớp, tên lửa hạt nhân mới được kích hoạt theo quy trình vận hành.
Trình tự từ khi ra mệnh lệnh đến khi kích hoạt mã phóng có vẻ dài dòng, song trên thực tế chúng diễn ra rất nhanh bởi các hệ thống về cơ bản đã được tự động hóa.
Mặc dù Tổng thống có toàn quyền ra mệnh lệnh hạt nhân, song mệnh lệnh này hoàn toàn có thể bị hủy, bị hoãn nếu có sự can thiệp của Phó Tổng thống và quốc hội hoặc sự cố trong quá trình vận hành.
Tuệ Tâm (T/h)