Tinh Hoa

Bé 4 tuổi lĩnh án tù chung thân vì “giết 4 người”, Ai Cập không còn công lý?

Một tòa án Ai Cập đã kết án một cậu bé 4 tuổi tù chung thân vì “sát hại 4 người”, “tội ác” xảy ra khi cậu chưa đầy 2 tuổi, làm dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về công lý lẫn tính minh bạch của các phiên tòa ở nước này.

Tòa án Ai Cập đã đàn áp những người bất đồng chính kiến kể từ cuộc đảo chính vào năm 2013. (Ảnh tư liệu Getty)

Vụ việc hi hữu khó tin trên xảy ra tại Ai Cập được báo Sun đăng tải hôm 19/2. “Thủ phạm” nhí này có tên Ahmed Mansour Karni, bị cảnh sát Ai Cập truy nã vì các cáo buộc giết 4 người và phá hoại tài sản quốc gia.

Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào thẩm phán lại có thể đưa ra bản án lạ lùng như vậy đối với Ahmed trong phiên tòa có tới 115 bị cáo này. Tất cả các bị cáo đều nhận bản án tù chung thân vì những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra vào đầu năm 2014.

Có một giả thuyết được đặt ra là Ahmed có thể trùng tên với một người họ hàng lớn tuổi hơn liên quan tới vụ án và đã có nhầm lẫn trong tờ giấy khai sinh đưa cho cảnh sát.

Cậu bé bị kết án vắng mặt và giới chức cũng không đoái hoài tới tuổi của bé và sự phi lý của cáo buộc.

Vụ việc được cho là nỗi xấu hổ lớn đối với Ai Cập và làm dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về công lý lẫn tính minh bạch của các phiên tòa ở nước này.

Ông Faisal al-Sayd, luật sư của Ahmed nói với Jerusalem Post: “Phiên tòa này chứng tỏ thẩm phán không hề để tâm tới vụ án”.

Vụ việc cũng làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ ở thủ đô Cairo. Một luật sư tên là Mohammed Abu Hurira giận dữ: “Không có công lý ở Ai Cập. Đất nước này được điều hành bởi những kẻ mất trí”.

Đây không phải lần đầu tiên, năng lực của tòa án ở Ai Cập bị nghi vấn. Hồi năm 2014, các thẩm phán ở Cairo đã kết án tử hình 2 thành viên nhóm Hamas dù cả hai đã chết nhiều năm trước đó.

Ai Cập đã được cai trị bởi một chế độ độc tài quân sự dưới thời Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi kể từ khi chính phủ của Mohamed Morsi bị lật đổ vào năm 2013.

Khoảng 40.000 người ủng hộ phe đối lập đang ở trong tù khi chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Theo Người Lao Động