Từ xa xưa, con người đã không ngừng tìm kiếm về phương thuốc trường sinh bất tử, mong ước có được một cuộc sống vĩnh hằng. Vì vậy mà nhiều phương pháp truyền thống giúp kéo dài tuổi thọ đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ của người xưa: Không tốn kém, đơn giản, dễ thực hiện mà lại rất có lợi cho sức khỏe, giúp tình thần vui vẻ và đạt được trường thọ.
1. Chải đầu ba lần mỗi ngày để ngăn ngừa bệnh tật
Theo y học cổ truyền của người Á Đông, 12 kinh mạch của cơ thể con người, hơn 40 huyệt đạo và hơn 12 điểm bấm huyệt đều tập hợp ở trên đầu.
Dùng lược chải thì cũng “giống như châm cứu”, có thể khai thông mười hai kinh mạch. Điều này sẽ thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất của tế bào não, trì hoãn sự lão hóa của tế bào não, tăng cường trí nhớ, cải thiện thính giác và thị lực.
Ngoài ra, nó còn có thể loại bỏ mệt mỏi, mất ngủ, làm giảm chứng đau dây thần kinh sinh ba (đau mặt quá mức) và chứng đau nửa đầu. Thậm chí, nó còn có tác dụng không ngờ trong việc làm đẹp.
Thực hành thói quen chải đầu ba lần mỗi ngày: Một lần vào buổi sáng, một lần sau bữa trưa và một lần trước khi đi ngủ – mỗi lần chải trong hai phút, khoảng 60-100 lần chải.
Chỉ cần kiên trì chải đầu thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy đầu óc tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, ngủ ngon hơn, tóc đen trở lại và ăn ngon miệng hơn.
2. Bàn chân được coi là trái tim thứ hai: Thường xuyên xoa bóp bàn chân giúp sống trường thọ
Theo Y học cổ truyền, bàn chân có hơn 60 huyệt đạo liên kết chặt chẽ với 12 kinh mạch của các cơ quan nội tạng. Nhưng do khoảng cách giữa bàn chân và tim quá lớn, lại phải thường xuyên chịu trọng lực của cả cơ thể đè lên nên nó trở thành vùng yếu nhất của cơ thể, rất dễ bị nhiễm lạnh và ẩm ướt. Vì vậy, sức khỏe của bàn chân được cho là có liên quan mật thiết đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể con người.
Vào thời cổ đại người ta cho rằng, cách tốt nhất để duy trì sức khỏe bàn chân là xoa huyệt Dũng Tuyền (trung tâm của vòm chân). Liên tục xoa bóp lòng bàn chân sau khi ngâm trong nước ấm sẽ có tác dụng tốt cho gân cốt; giúp lưu thông máu, cơ bàn chân và cả các vùng khác trên cơ thể. Ngoài ra, nó còn có thể làm giảm đau đầu, thoát vị, viêm thận, co giật, mất ngủ. Những người bị cao huyết áp, bệnh tim, đau họng, nứt nẻ bàn chân, tê mỏi cũng có thể dùng cách này.
Vì lợi ích tổng thể của đôi chân nên trong y học Trung Hoa còn gọi huyệt Dũng Tuyền là “huyệt thể dục”.
3. Nuốt nước bọt 300 lần một ngày
Nước bọt là chất lỏng do tuyến nước bọt tiết ra, kết hợp với chất nhờn là do nhiều tuyến nhỏ trong thành miệng tiết ra tạo thành. Người lớn trung bình tiết nước bọt khoảng 1 đến 1,5 lít mỗi ngày.
Y học cổ truyền cho rằng nước bọt kết hợp với lá lách và dạ dày, giúp làm ẩm các lỗ chân lông và các cơ quan nội tạng, bổ sung năng lượng, bôi trơn các khớp và giúp đầu óc minh mẫn.
Theo y học hiện đại, nước bọt làm ngừng chảy máu, làm dịu sự co lại của các mạch máu, hòa tan vi khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ tiêu hóa và có nhiều công dụng khác.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện ra rằng, nước bọt có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào thần kinh và biểu bì. Viện Nghiên cứu Thực phẩm Nhật Bản nghiên cứu thấy, “nước bọt có thể loại bỏ các chất độc hại tồn tại trong không khí và trong thực phẩm”. Nó còn có tác dụng mạnh mẽ trong việc ngăn ngừa ung thư.
Nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Y khoa Georgia cho thấy, aflatoxin (một trong những chất gây ung thư mạnh nhất), cũng như benzen và nitrit, sẽ phân hủy 30 giây sau khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt. Vì vậy họ đưa ra gợi ý: “Tốt nhất là nhai mỗi miếng thức ăn 30 lần trước khi nuốt”.
Từ những nghiên cứu này có thể thấy, lời khuyên nuốt nước bọt 300 lần một ngày của cổ nhân quả thật có hữu ích.
4. Gõ răng mỗi ngày để ngăn rụng răng
Gõ răng có nghĩa là gõ nhịp nhàng vào các răng trên và răng dưới nhiều lần.
Trong các tài liệu cổ có nói rằng, xương người chắc khỏe là phụ thuộc vào dinh dưỡng của tủy. Tủy xương là nguồn gốc cơ bản nhất của cơ thể con người. Nếu tinh chất này giảm đi, nó có thể không đủ để nuôi tủy. Khi đó răng sẽ dễ bị lung lay, bị sâu hoặc thậm chí là rụng.
Theo Y học cổ truyền, thường xuyên gõ vào răng có thể cân bằng âm dương, giúp kích thích lưu thông máu và kinh mạch. Nó còn có thể giúp duy trì và tăng cường chức năng tổng thể của cơ hàm và phần chân răng. Đồng thời làm chậm quá trình teo răng, cải thiện chức năng nhai.
Ngoài ra, thường xuyên gõ vào răng còn có thể nâng cao độ bền của mô niêm mạc, thúc đẩy tuần hoàn máu tổng thể của miệng và nướu, tăng tiết nước bọt, tăng cường khả năng kháng khuẩn của răng, do đó làm cho răng trắng và chắc khỏe hơn.
5. Mát xa lưng để giảm mệt mỏi về thể chất và ngăn ngừa ung thư
Mát xa lưng là một phương pháp cổ xưa mang lại hiệu quả tức thì.
Mát xa lưng kích thích hàng chục huyệt đạo quan trọng sẽ tác động đến hệ thần kinh, duy trì hiệu quả sự cân bằng của hệ thần kinh trung ương.
Lợi ích chính của việc mát xa lưng là giúp các cơ thư giãn; ngăn ngừa và điều trị chứng đau lưng và căng cơ.
Thêm vào đó, mát xa lưng thúc đẩy tuần hoàn tốt hơn và giúp điều chỉnh chức năng thần kinh. Mát xa lưng vào ban ngày giúp đầu óc minh mẫn và nâng cao tinh thần; mát xa lưng vào ban đêm giúp thư giãn tâm trí và ngủ ngon giấc.
Một lợi ích khác của mát xa lưng là tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa ung thư. Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng, mát xa lưng thường xuyên thúc đẩy quá trình tiết peptide trong não. Các peptide này có khả năng chống virus mạnh và có thể ức chế sự đột biến tế bào, là cơ sở tạo ra tế bào ung thư.
Thường có hai phương pháp mát xa lưng đó là vỗ nhẹ và đánh.
Vỗ bằng một lòng bàn tay trống và đánh bằng một nắm đấm rỗng. Để có kết quả tốt nhất, hãy mát xa đều đặn mỗi ngày một lần; mỗi lần từ 50 đến 60 lần vỗ nhẹ và đánh.
6. Xoa bụng hàng ngày giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn tinh thần
Xoa bụng là dùng tay xoa ở phần trước và sau ở khoảng giữa ngực và xương chậu.
Y học cổ truyền cho rằng bụng là trung tâm của các cơ quan nội tạng và là nguồn gốc của âm dương trong cơ thể.
Y học hiện đại cũng cho rằng, việc xoa bụng làm săn chắc dạ dày và các cơ vùng bụng. Nó thúc đẩy tuần hoàn và đẩy nhanh quá trình tiêu hóa. Nó cũng giúp điều trị táo bón, mất ngủ, viêm tuyến tiền liệt, viêm thận, thoát vị, huyết áp cao, bệnh mạch vành và tim, tiểu đường. Đặc biệt, xoa bụng sẽ thúc đẩy quá trình tự co bóp của vùng bụng, làm giảm mỡ bụng và hỗ trợ giảm cân.
Cách xoa bụng là đầu tiên xoa theo chiều kim đồng hồ bằng gót bàn tay phải lên trên rốn 130 lần rồi di chuyển xuống dưới vùng rốn 120 lần. Sau đó, xoa toàn bộ vùng bụng bằng lòng bàn tay trái khoảng 120 lần. Đảo ngược và lặp lại.
7. Kéo giãn cơ là cách hiệu quả nhất để giảm cân và thúc đẩy tuần hoàn máu
‘Kéo giãn lười biếng’ (Lazy Stretching): Là động tác kéo căng không tự chủ (thường đi kèm với ngáp), bao gồm duỗi thẳng cổ, nâng cánh tay, hít thở sâu để mở rộng ngực, kéo căng thắt lưng, vận động các khớp và thả lỏng cơ thể.
Tôn Tư Mạc, một danh y nổi tiếng thời nhà Đường nói rằng: “Nếu máu không lưu thông, cơ thể sẽ mắc bệnh tật”.
Theo y học hiện đại, lưu thông máu hoàn toàn dựa vào sức co bóp của cơ tim. Điều này càng đúng với các tĩnh mạch ở xa tim.
Khi một người kéo căng, cơ thể sẽ tự nhiên đưa cánh tay và xương sườn lên trên, mở rộng lồng ngực, giúp tăng cường cơ hoành và hỗ trợ thở sâu. Điều này khiến nhiều cơ co lại và dồn máu trở lại tim, dẫn đến tăng tốc độ lưu thông máu.
Kéo giãn cơ còn có thể giúp các mạch máu cổ vận chuyển máu lên não hiệu quả, mang đến dinh dưỡng đầy đủ, giảm mệt mỏi, từ đó nâng cao tinh thần. Điều này cũng rèn luyện hệ thống thần kinh cơ, thúc đẩy sự cân bằng bên trong cơ thể; tăng lượng oxy và CO2 thải ra ngoài, thúc đẩy quá trình trao đổi chất; loại bỏ căng thẳng, ngăn ngừa giãn cơ và giúp điều chỉnh tư thế đúng. Tóm lại, kéo giãn cơ sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh hơn.
8. Bấm huyệt Hợp cốc, Nội quan, Túc tam lý mỗi ngày một lần
Huyệt Hợp cốc, Nội quan, Túc tam lý là ba trong số các huyệt đạo chính được các thầy thuốc cổ đại sử dụng trong chữa bệnh.
Huyệt Hợp cốc nằm ở khu vực giữa ngón cái và ngón trỏ. Châm cứu tại huyệt Hợp cốc giúp điều trị chứng đau đầu, liệt mặt và các bệnh liên quan đến ngũ quan.
Huyệt Nội quan nằm cách nếp gấp của cổ tay khoảng 2 inch (5cm). Châm cứu tại huyệt Nội quan giúp điều trị tim đập nhanh, huyết áp cao, động kinh, hen suyễn, đau dạ dày, buồn nôn và ói mửa.
Huyệt Túc tam lý nằm dưới trung tâm của đầu gối khoảng 3 đến 4 inch (7,6 đến 10cm). Nó có chức năng điều hòa dạ dày, bổ sung năng lượng, thúc đẩy sự lưu thông kinh lạc, xua tan gió ẩm.
Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, bấm huyệt Túc tam lý giúp kích thích dạ dày và ruột, cũng như hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hoạt tính của enzyme. Nó còn có thể kích thích sự thèm ăn, giúp tiêu hóa tốt, tăng cường hoạt động của não, cải thiện chức năng tim, tăng sản lượng hồng cầu và bạch cầu, cũng như làm tăng lượng hemoglobin và hormone nội tiết. Ngoài ra còn làm tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại các loại bệnh tật.
Hơn nữa, bấm huyệt Túc tam lý là phương thuốc hữu hiệu ngăn ngừa đau dạ dày và đau bụng, chống nôn mửa, táo bón, tiêu chảy, viêm gan, viêm túi mật và cao huyết áp.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng xoa bóp ba huyệt đạo này có lợi cho các dây thần kinh, cơ, mô và nội tạng của cơ thể. Hiệu quả tích cực vượt trội hơn bất kỳ môn thể thao thể chất nào.
Bấm các huyệt Hợp cốc, Nội quan, Túc tam lý trong năm phút mỗi điểm. Nhấn từ 15-20 lần bằng ngón cái hoặc ngón giữa.
Thường xuyên thực hành các phương pháp trên sẽ giúp bạn có một tinh thần vui vẻ và một cuộc sống trường thọ.
An Nhiên