Vụ bắt Giám đốc người Trung Quốc (2 công ty Khải Hồng Việt Nam và công ty Khải Thừa Việt Nam) vì làm ô nhiễm môi trường ở Bắc Giang. Một luật sư cho rằng, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương liên quan vụ việc trên.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, về vụ việc Lý Thiệu Hưng, SN 1972 – Giám đốc Công ty Khải Hồng Việt Nam và Công ty Khải Thừa Việt Nam cùng Nguyễn Thị Hương (SN 1982) – PGĐ, vừa bị Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố về hành vi gây ô nhiễm môi trường, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương liên quan vụ việc trên, làm rõ tại sao vi phạm kéo dài, số lượng đặc biệt lớn như vậy, mà đến nay mới phát hiện, xử lý?.
Điều tra ban đầu cho thấy, Hưng đã chỉ đạo Hương cho nhân viên vận chuyển chất thải từ Công ty Khải Thừa (thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam) đến chôn lấp tại Công ty Khải Hồng.
Hành vi trên được phát hiện vào đầu tháng 5/2021, khi Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp kiểm tra bảo vệ môi trường tại dự án xây dựng của Công ty Khải Hồng, địa chỉ tại Cụm công nghiệp Lan Sơn, huyện Lục Nam. Khoảng 257 tấn chất thải đã được chôn lấp.
Luật sư Cường cho rằng, đây là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường có dấu hiệu tội phạm.
Theo luật sư Cường, Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”.
Các đối tượng trong vụ án sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Luật sư Cường cho biết thêm: “Quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, trong trường hợp này pháp nhân thương mại sẽ phải đối mặt với khung hình phạt: Bị phạt tiền từ 12 tỷ đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm”.
Thiện Thành (Theo DKN)