Tinh Hoa

Bắt được trùm buôn nội tạng Israel sau 10 năm truy nã

AFP ngày 7/1 đưa tin, công dân Israel Moshe Harel, người đứng đầu của một đường dây buôn bán nội tạng người toàn cầu, đã bị bắt tại đảo Cyprus sau 10 năm lẩn trốn.

Moshe Harel được cho là đầu sỏ của một đường dây buôn nội tạng người quốc tế. (Ảnh: Reuters)

Harel bị tình nghi tổ chức hàng chục vụ cấy ghép thận bất hợp pháp tại bệnh viện Medicus ở Pristina, Kosovo vào năm 2008. Hiện đối tượng này đã bị bắt giữ, theo truyền thông địa phương.

Nghi phạm có tên viết tắt là MH bị bắt tại Cyprus vài ngày trước, theo một lệnh truy nã quốc tế“, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Kosovo Baki Kelani cho biết hôm 7/1.

Cơ quan chức năng đã truy tìm Harel trong gần một thập kỷ qua. Ông này bị cáo buộc lợi dụng các nạn nhân, thường được tuyển mộ từ các khu vực nghèo ở Đông Âu và Trung Á, bằng cách hứa trả họ 15.000 euro (khoảng 18.000 USD) để đổi lấy các bộ phận cơ thể. Trong khi những người nhận, chủ yếu là người Israel, sẽ trả cho Harel số tiền lên đến 100.000 euro để có thể thực hiện việc cấy ghép nội tạng.

Năm 2008, đường dây buôn nội tạng này bị phát hiện sau khi một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ ngất xỉu ở sân bay Pristina vì trước đó đã cắt bỏ một quả thận. Cảnh sát đã khám xét bệnh viện Medicus để điều tra và bệnh viện này đã phải đóng cửa sau vụ bê bối.

Năm 2013, một phiên tòa do Liên minh Châu Âu (EU) dẫn dắt tại Kosovo đã tuyên án lên đến 8 năm tù đối với 5 bác sĩ người Kosovo vì tội buôn bán nội tạng tại nước này.

Tại phiên tòa, công tố viên nói những người hiến nội tạng bị lấy đi các bộ phận cơ thể một cách trái phép nhưng không được chăm sóc y tế đúng cách và bị đối xử “như rác rưởi”.

Năm 2016, Tòa án Tối cao Kosovo đã tuyên bố vô hiệu đối với phán quyết nói trên và yêu cầu tiến hành xét xử lại. Quá trình xét xử vẫn đang diễn ra, theo AFP.

Cáo trạng nói Harel là đầu sỏ của đường dây buôn nội tạng này, còn bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Ecrin Sonmez – người được truyền thông Kosovo gọi là “Frankenstein của Thổ Nhĩ Kỳ”, hiện vẫn lẩn trốn – bị tình nghi thực hiện các ca cấy ghép tại bệnh viện.

Trên thế giới, việc buôn lậu tạng người xuất hiện và đã tồn tại từ lâu, nhưng theo các diễn biến hiện tại, người ta nhận thấy loại tội ác này có dấu hiệu táo bạo và ngày càng lan rộng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Thị trường nội tạng ở Trung Quốc cực kỳ sôi động và được gọi là “thị trường tỉ đô”. Một quả thận có giá 62.000 USD, gan hoặc tim là 130.000 USD, giác mạc 30.000 USD…

Nhiều luật sư và tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án Trung Quốc mổ cắp nội tạng của các tù nhân lương tâm còn sống.

Năm 1984, chính phủ Trung Quốc thông qua quy định cho phép lấy nội tạng của tử tù. Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc năm 2012 tuyên bố, 90% cơ quan nội tạng là do tử tội cung cấp. Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Dui Hua của Mỹ năm 2013 cho biết, chỉ có 2.400 tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh thừa nhận có tới 10.000 ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm.

Cũng trong năm 2013, châu Âu đã thông qua một nghị quyết tạo bước ngoặt trong việc lên án mạnh mẽ tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm còn sống ở Trung Quốc. Nghị quyết nói rõ: “Quan ngại sâu sắc về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về việc mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm có hệ thống được nhà nước phê chuẩn tại Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, bao gồm cả một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì tín ngưỡng của họ, và các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số và sắc tộc khác“.

Tú Văn (t/h)