Tối 8/8, gần 10 nghìn người dân tại thành phố Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc, tiếp tục xuống đường “tản bộ” phản đối xây dựng nhà máy hạt nhân xử lý và tái chế rác thải, bất chấp cuộc trấn áp của cảnh sát hôm 7/8.
Trước đó vào tối 7/8, hàng nghìn cảnh sát đã được điều đến trấn áp cuộc biểu tình phản đối nhà máy tái chế và chế biến nhiên liệu, bắt hơn 40 người. Cả 2 phe người dân và cảnh sát đều có người bị thương trong cuộc xung đột này.
Sau khi xung đột xảy ra, chính quyền Liên Vân Cảng ngày 8/8 đã gửi đi thông báo, “nghiêm cấm các đảng viên và nhân viên công chức tham gia các hoạt động tụ tập, diễu hành, thị uy“, bản thông báo còn yêu cầu “chỉ dẫn người nhà“, “nghiêm cấm vây xem“.
Tuy nhiên, đến 6h chiều 8/8, những người không sợ trấn áp của chính quyền vẫn tiếp tục xuống phố “tản bộ”, hô lớn khẩu hiệu “tẩy chay chất thải hạt nhân, bảo vệ môi trường nơi quê nhà“.
Không sợ trấn áp, tối 8/8 hàng nghìn người dân Giang Tô vẫn xuống đường biểu tình.
Ông Cát chia sẻ với tờ Epoch Times tiếng Trung rằng, số người biểu tình vào tối 8/8 lên đến gần 10 nghìn người, dân chúng đều khá lá lý trí, không phát sinh xung đột với cảnh sát. Ông cho rằng cuộc biểu tình phản đối này sẽ vẫn tiếp tục, hơn nữa số người tham gia sẽ ngày càng tăng lên.
Một người dân khác cho biết, cuộc biểu tình phản đối này không chỉ giới hạn trong thành phố Liên Vân Cảng, ngay cả các địa phương khác gần đó như khu vực Cán Du thuộc huyện Quán Vân, xung quanh thị trấn Trần Gia của thành phố Diêm Thành cũng đều có biểu tình.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương phủ nhận dự án xây dựng nhà máy hạt nhân xử lý phế liệu đã được đăng ký, họ nói rằng dự án trước mắt đang tiến hành chọn nơi thí điểm trên cả nước.
Không chỉ vậy, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông ở thành phố Liên Vân Cảng vì “tung tin đồn trên mạng“, đồng thời xem cuộc biểu tình này là “phi pháp”. Trong khi đó, các kênh truyền thông địa phương cũng đồng loạt im lặng.
Ông Cát chia sẻ, cách xử lý vấn đề của chính phủ đã dấy lên sự phẫn nộ trong dân chúng, hiện không còn người nào tin tưởng vào chính phủ nữa, bản thân ông cũng chỉ tin vào những gì mình tận mắt nhìn thấy, chính tai nghe được.
Tối 7/8 ông đã tận mắt nhìn thấy cảnh sát bao vây đánh đập người biểu tình, người này kể lại đồng thời cho rằng, người dân xuống đường là hành vi chính đáng để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Ông còn cho biết thêm, người dân hiện nay chỉ cần nghe đến “hạt nhân” đều lo sợ, vì ô nhiễm hạt nhân từ sớm đã ăn sâu vào trong ký ức của họ như thảm hoạt hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản, thế nhưng chính quyền lại che đậy, ngăn cấm báo chí đưa tin về vụ việc khiến dân chúng chỉ càng hoang mang, sợ hãi hơn.
Một người dân khác cho biết, Liên Vân Cảng đã có nhà máy điện hạt nhân và chương trình hạt nhân PX, bây giờ lại muốn xây thêm nhà máy hạt nhân xử lý rác thải, thành phố với hơn 5 triệu dân này thật khó mà chấp nhận được.
Có nguồn tin cho rằng, dự án này đã được triển khai một cách bí mật. Trong khi người dân lại yêu cầu chính quyền triệt để hủy bỏ dự án, để được sống trong một môi trường an toàn.
Sau thảm họa Fukushima năm 2011, Trung Quốc đã ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Nhưng năm 2015, lệnh cấm này đã bị phá bỏ khi nước này phê duyệt 2 dự án mới, gồm cả nhà máy nêu trên.
Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong xây dựng các nhà máy hạt nhân (kể từ năm 2008) với 35 lò phản ứng và 20 lò khác đang được xây dựng.
Theo Epoch Times