Một vụ kiện tụng chỉ nhằm mục đích hòng quấy phá doanh nghiệp, âm mưu chia chác, trục lợi. Thế nhưng dù phi lý, tội ác vẫn cứ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Tiếp tục diễn biến xoay quanh vụ kiện tụng giữa Công ty Thiên Phú và Công ty Kim Oanh, mặc dù đã được chứng minh là một chiêu trò quấy phá doanh nghiệp, nhưng tòa vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng dù nguyên đơn đã yêu cầu bãi nại bằng cách phủ quyết quyền ủy quyền của nguyên đơn.
Nguồn cơn vụ kiện tụng bắt đầu từ việc Thiên Phú nợ Agribank hơn 1.000 tỷ đồng nên năm 2015 bàn giao tài sản thế chấp là Dự án KDC Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) cho Agribank bán đấu giá trả nợ. Năm 2017, Cty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM trúng đấu giá dự án này. Sau đó Thiên Phú bất ngờ khởi kiện đòi hủy kết quả đấu giá.
Quá trình điều tra, tố tụng 3 năm qua đã chứng minh rằng Công ty Kim Oanh có quyền sở hữu Dự án Hòa Lân hoàn toàn hợp pháp. Thậm chí quyền này còn được Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định, trình đến tận tay Thủ tướng Chính Phủ.
Ấy thế nhưng, Cty Thiên Phú vẫn tiếp tục kiện tụng, mục đích duy nhất là để kéo các bên liên quan vào “vòng xoáy” tố tụng, thời gian càng kéo dài bao nhiêu thì càng gây bất lợi, tổn thất cho Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh bấy nhiêu vì dự án không thể triển khai được.
Theo bà Kim Oanh, đại diện và là chủ sở hữu công ty Kim Oanh cho biết: “Để mua được tài sản bán đấu giá là Dự án Khu dân cư Hòa Lân thì doanh nghiệp chúng tôi đã phải bỏ ra trên 1.300 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó doanh nghiệp phải huy động từ các nhà đầu tư, tiền vốn góp của cán bộ, nhân viên công ty và phần lớn là phải vay lãi suất cao của các tổ chức tín dụng. Bây giờ toàn bộ dự án đang bị Tòa án quận 7 phong tỏa, không thể triển khai được bất cứ hoạt động gì khiến doanh nghiệp chúng tôi lao đao, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Chỉ tính riêng tiền lãi phải trả cho các tổ chức tín dụng đã lên tới cả chục tỷ đồng mỗi tháng, giờ doanh nghiệp chúng tôi không biết kêu ai?”.
Thế rồi vào ngày 25/3/2020, C03 đã ra Quyết định khởi tố Bùi Thế Sơn (chủ sở hữu Công ty Thiên Phú) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyên nhân là vì ông này đã lập “khống” danh sách 14 hộ dân nằm trong diện đền bù, bồi thường tái định cư của Dự án khu dân cư Hòa Lân, do đó khiến Công ty Kim Oanh tổn thất gần 30 tỷ khi mua dự án này từ Agribank.
Vào ngày 13/8, khi đang ở trong trại giam, ông Sơn bất ngờ rút đơn khởi kiện. Yêu cầu này đã được xác minh bởi thẩm phán Lê Thị Phơ. Tuy nhiên theo lời của ông Sơn, cổ phần của ông ở công ty Thiên Phú đã được bán lại cho hai người là Hường và Châu. 1% của cổ đông còn lại là ông Phú cũng được chuyển nhượng cho người khác. Cũng theo lời ông Sơn, hai người này mới là nhân vật chủ mưu gây khó dễ cho công ty Kim Oanh. Tuy vậy, cho đến nay pháp luật vẫn chưa công nhận bà Hường và bà Châu là thành viên góp vốn của Thiên Phú. Trên giấy tờ vẫn chưa có thay đổi về thành phần cổ đông của công ty này.
Hôm qua (15/10), TAND quận 7 (TP HCM) một lần nữa mở lại phiên xử. Trong phiên tòa bất ngờ xuất hiện người được ông Sơn ủy quyền là ông Nguyễn Văn Tú (SN 1976) yêu cầu bãi nại. Ông Sơn ủy quyền cho ông Tú quản lý toàn bộ phần vốn góp của ông Sơn; đại diện và nhân danh ông Sơn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người chủ sở hữu phần vốn góp; quyết định, thực hiện tất cả quyền hạn trong phạm vi người đại diện theo pháp luật, gồm cả việc tham gia tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng; quyết định, thực hiện tất cả vấn đề trong vụ kiện hiện tại, có quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và đề nghị TAND quận 7 đình chỉ giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, Thẩm phán Lê Thị Phơ cho rằng ông Sơn không còn là người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú do đã bị bắt giam, nên ông Tú chỉ được chấp nhận là đại diện cho cá nhân ông Sơn, không được tham gia phiên tòa với tư cách tố tụng; chỉ được phép nghe diễn biến phiên tòa.
Trong khi đó, người đã không còn sở hữu bất kỳ cổ phần nào của công ty Thiên Phú là ông Trương Thành Phú lại được xác định là đại diện của công ty này??? Trước đây, ông Đặng Bình Anh Trọng, thành viên 1% vốn góp của Thiên Phú đã có đơn tố giác đến công an về việc bị cưỡng ép, đe dọa buộc phải chuyển nhượng 1% phần vốn góp cho ông Phú.
Hôm nay, phiên xử vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận.
Từ Thức (t/h)