Mặc cho lời đe dọa của Bình Nhưỡng sẽ biến Guam thành “lò lửa”, hòn đảo bé nhỏ này vẫn là nam châm thu hút khách du lịch. Cuộc sống nơi đây vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu của sự lo sợ.
Mặc cho lời đe dọa của Bình Nhưỡng biến Guam – vùng lãnh thổ Mỹ cách Triều Tiên 2.100 dặm – thành “lò lửa”, cuộc sống trên đảo Guam những ngày qua vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu lo sợ, theo mô tả trên Đài phát thanh National Public Radio của Mỹ.
“Hiện ở Guam có khá nhiều tâm trạng khác nhau. Một số người nói họ chỉ muốn hòa bình, muốn hòn đảo bình yên như xưa nay. Một số khác tỏ ra phát bệnh và mệt mỏi với những đe dọa của Triều Tiên trong nhiều năm qua. Rồi thì có những người cảm thấy ông tổng thống của chúng tôi cũng đang làm nghiêm trọng hóa mọi chuyện” – ông Gary Hartz, hiệu trưởng một trường cao đẳng cộng đồng ở Guam, cho biết.
Bên cạnh đó, ông Hartz cũng lưu ý đe dọa của Bình Nhưỡng nghe có vẻ nghiêm trọng hơn những lần trước. “Về phía Triều Tiên, lần này có những khác biệt rõ ràng” – ông bình luận.
Quả thật, Bình Nhưỡng đã khá “chi tiết” trong kế hoạch bắn tên lửa về phía Guam. Vũ khí nào? Tên lửa đạn đạo tầm trung. Bao nhiêu đơn vị? Bốn quả. Khi nào? Trước khi tháng 8 kết thúc.
“Những thứ đó trước đây không ai biết. Chưa kể lần này chúng tôi còn có một ông tổng thống có giọng điệu kích động hơn bất cứ vị nào trong quá khứ” – ông Hartz nói, ám chỉ ông Donald Trump.
Người dân Guam vẫn còn nhớ thời điểm năm 2013, khi đó Triều Tiên đe dọa tấn công căn cứ không quân Andersen, nơi đồn trú của phi đội ném bom thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ. Tổng cộng Mỹ có khoảng 13.000 binh lính đồn trú trên đảo Guam.
Đảo Guam, với dân số 163.000 người (theo số liệu năm 2016), có một lịch sử không mấy êm đềm. “Hết Nhật đến Tây Ban Nha xâm lược chúng tôi. Hòn đảo này có một vị trí chiến lược hoàn hảo, tôi cho rằng người Mỹ đến đây vì họ muốn nó và giúp chúng tôi chống lại người Nhật.” – cư dân Guam nêu suy nghĩ.
Theo quan sát, Guam hiện vẫn bình lặng mặc cho cuộc khẩu chiến qua lại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Các khách sạn đầy ắp khách du lịch, các bãi biển đầy người chạy bộ và tắm nắng…
“Tôi có vài người khách còn nói đùa rằng, nếu phát hiện ra chúng tôi chỉ còn 10 phút (trước cuộc tấn công của Triều Tiên), chúng tôi sẽ ghé quán để uống vài ly với cô” – Bà Monique Genereux, chủ quán bar Mosa Joint ở Hagatna, thủ phủ của Guam chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ